Print

Cháy rừng- Mối lo lớn về kinh tế của châu Âu và thế giới

Thứ Bảy, 23 /07/2022 21:12

Khi ngọn lửa “xé toạc” một khu rừng ở Hy Lạp vào tháng 8 năm ngoái, “nuốt chửng” những cây thông và làm mặt đất cháy xém, ông Stathis Albanis, 62 tuổi, biết rằng công việc nuôi ong của ông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tới nay, một năm trôi qua, đám cháy cũng tắt đã lâu, ông Albanis vẫn cảm nhận được tác động của nó đến sinh kế của ông, của gia đình ông, của những người nuôi ong không chỉ một sớm một chiều, mà kéo dài nhiều thế hệ.

Khi nạn cháy rừng bùng phát trở lại khắp châu Âu vào mùa hè 2022, tình cảnh khó khăn của người nuôi ong ở Hy Lạp là một trong những minh họa nổi bật nhất về thiệt hại lâu dài của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hàng triệu người thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cũng như du lịch, làm nền kinh tế khủng hoảng.

Năm nay, cháy rừng đã bùng phát ở hàng chục quốc gia châu Âu, thiêu rụi hàng chục nghìn ha đất, phá hủy nhà cửa và cơ sở kinh doanh. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào năm ngoái, biến đổi khí hậu có thể “quét sạch” hơn 4% GDP của châu Âu vào năm 2030, trong trường hợp xấu nhất. Theo Cơ quan Xếp hạng tín dụng Moody's, Hy Lạp- nơi bị tàn phá nặng nề nhất châu Âu do cháy rừng vào mùa hè năm ngoái, hiện đã có thể trang trải hầu hết các chi phí ngắn hạn thông qua tài trợ khẩn cấp của EU. Song, sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng như hiện tại có thể gây tổn hại cho ngành du lịch của quốc gia này về lâu dài.

Vào thời điểm mà ngân sách các quốc gia châu Âu và thế giới vẫn đang lao đao bởi đại dịch Covid-19, các Chính phủ lại đang phải chịu áp lực để có kinh phí đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó có cháy rừng. Một loạt các quốc gia đều công bố tăng nguồn kinh phí cho lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Pháp, nơi cháy rừng vừa quét qua khu vực phía Tây Nam, thiêu rụi các khu cắm trại nổi tiếng, cho biết đã dành 850 triệu euro (tương đương 863 triệu USD) để nâng cấp đội máy bay chữa cháy của mình.

Hy Lạp, quốc gia có thời điểm phải đối mặt với 50 đến 70 trận cháy rừng mỗi ngày, đã trang bị nhiều máy bay chữa cháy và lính cứu hỏa cao hơn nhiều so với 3 năm trước. Cụ thể, phân bổ 75 triệu euro cho phòng cháy, chữa cháy, chủ yếu là mua sắm trang thiết bị, phát quang rừng và nâng cao nguồn nhân lực phòng cháy, chữa cháy. Ông Dimitris Stathopoulos, Chủ tịch Liên đoàn Lính cứu hỏa Hy Lạp, cho biết: “Lực lượng cứu hỏa Hy Lạp đang đối mặt với 50 đến 70 trận cháy rừng mỗi ngày. Những người lính cứu hỏa lớn tuổi trong đội ngũ của chúng tôi luôn nhắc nhở trung bình 10 đến 15 năm,`bao giờ cũng có một đợt hỏa hoạn đặc biệt lớn. Chúng tôi đang cần vận động, tuyển dụng thêm 4.000 nhân viên mới để đối phó với khối lượng công việc ngày càng tăng”.

Các tổ chức phi chính phủ, nhóm bảo vệ môi trường, ví dụ như Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) cho biết, các Chính phủ cần phải chuẩn bị nguồn kinh phí phòng ngừa cao hơn là dập tắt đám cháy thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Bởi một báo cáo gần đây cho thấy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp chi tới 80% kinh phí cho việc dập tắt và chỉ 20% cho việc phòng ngừa. Người dân các quốc gia cũng có suy nghĩ tương tự.

Ông Manuel Lopes, 67 tuổi, một người nông dân trồng oliu ở Murça- thành phố miền Bắc Bồ Đào Nha than thở với phóng viên về việc quản lý rừng thiếu khoa học của cơ quan có liên quan: “Cách hiệu quả nhất là dọn dẹp đất đai và thảm thực vật trước mùa khô hạn. Chúng tôi đều có một bồn nước đầy ở nhà để dập lửa nếu cần, đồng thời, nhiều năm nay tự bỏ tiền, bỏ công ra để dọn dẹp đất đai, giảm bớt nguy cơ cháy. Thế nhưng bây giờ người dân đã di cư nhiều, làng mạc ít người, đất đai hoang hóa, ngày càng khó khăn”.

Ông Vasilis Douras, Cựu Chủ tịch Liên đoàn nuôi ong của Hy Lạp nhận định: “Cháy rừng là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều “ngôi làng chết”. Hỏa hoạn tước đi thu nhập của người sinh sống từ khai thác tài nguyên rừng. Nếu muốn các ngôi làng tồn tại, Chính phủ cần tìm cách giữ chân người dân ở đó, đảm bảo sinh kế cho họ cho đến khi hậu quả của cháy rừng được được giải quyết và rừng mọc trở lại".

Tùng Anh (Theo WWF)