Print

Mô hình máy ATM cung cấp nước sạch ở Ấn Độ

Thứ Hai, 25 /07/2022 11:03

Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới nhưng chưa đến một nửa dân số được sử dụng nước sạch. Ngoài chi phí nhân đạo, UNICEF ước tính, dịch bệnh do nước uống không hợp vệ sinh làm Ấn Độ thiệt hại 600 triệu USD mỗi năm.

Ô nhiễm nguồn nước, cũng như cạn kiệt nước ngầm tự nhiên, đã cản trở nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ trong việc mở rộng khả năng tiếp cận nước sạch cho người dân. Theo UNICEF, 1,96 hộ gia đình Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng nước bị ô nhiễm hóa học; trong đó, 2 chất chính gây ảnh hưởng nguồn nước là florua và asen. Mặc dù gần đây, Mỹ đã giải ngân khoảng 110 triệu USD viện trợ nước ngoài cho Ấn Độ nhưng tình trạng mất an ninh nguồn nước ở quốc gia này vẫn còn nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chính phủ đã kêu gọi các Tập đoàn, DN liên quan đến nước tham mưu giải pháp để có hướng khắc phục hiệu quả nhất. JanaJal, công ty về nước sạch có trụ sở tại New Delhi, làm một trong những DN đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc cung cấp nước uống sạch ở Ấn Độ.

Ra đời năm 2013, JanaJal do Supremus, anh em Parag- Anurag Agarwal đồng sáng lập, với sứ mệnh cung cấp nước uống sạch và an toàn cho người dân Ấn Độ. Trong 9 năm hoạt động, tính đến tháng 7/2022, JanaJal đã cung cấp hơn 108 triệu lít nước sạch; loại bỏ hơn 33 triệu đồ nhựa sử dụng một lần thông qua các máy ATM nước của mình; giảm lãng phí nước bằng cách tiết kiệm hơn 60 triệu lít nước. Điều đặc biệt, JanaJal sử dụng “công nghệ bất khả tri”, có nghĩa là họ không bị ràng buộc vào một công nghệ cụ thể nào để đạt được mục tiêu- điều này cho phép công ty linh hoạt và đáp ứng nhu cầu về nước sạch của người dân tất cả các khu vực trên khắp Ấn Độ.

Theo Water.org, 91 triệu người không được tiếp cận với nước sạch ở Ấn Độ. Một phần của vấn đề là ô nhiễm phân. Khoảng 15% dân số đi vệ sinh lộ thiên (không có nhà vệ sinh), dẫn đến việc phân ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước. 62% hộ gia đình không có thiết bị xử lý nước, nhất là ở các vùng nông thôn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 37 triệu người Ấn Độ mỗi năm bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường nước. Ở nông thôn, thường không có nguồn cung cấp nước tại nhà, gánh nặng dự trữ nước thường thuộc về phụ nữ. Năm 2018, 40% trẻ em gái 15-18 tuổi không được đến trường, nhiều em phải gánh vác việc nhà và phụ giúp gia đình, trong đó có công việc đi lấy nước. Vì vậy, trao quyền cho phụ nữ là một trong 4 thước đo thành công của JanaJal. Vào năm 2020, 40% đại lý của JanaJal do phụ nữ làm chủ, con số công ty phấn đấu là tăng lên 50% vào năm 2024.

Vậy, JanaJal đã trao quyền cho phụ nữ Ấn Độ về nước như thế nào? Câu trả lời là công ty đã đưa ATM nước vào hoạt động, đồng thời, hỗ trợ phụ nữ trở thành người điều hành các máy này. Năm 2020, JanaJal có 755 máy ATM nước và điểm cung nước an toàn trên toàn quốc. Mỗi ATM nước có thể cung cấp tới 15.000 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, các máy ATM nước có thể phân phối nước với nhiều lượng khác nhau tùy theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, tại New Delhi, nơi JanaJal đặt trụ sở chính, gần đây đã thí điểm triển khai 7 chiếc WOW (Water on Wheels, tạm dịch là xe nước) tại khu vực Badarpur. WOW có thể hiểu là một chiếc xe điện, được chế tạo riêng với công nghệ GPS, cung cấp nước đến tận cửa các hộ gia đình. WOW nhanh chóng chứng minh được sự hiệu quả, hiện là một trong 5 công nghệ được Chính phủ Ấn Độ khuyến nghị cho các bang, lãnh thổ liên minh nghiên cứu thực hiện. Như vậy, đối với cuộc khủng hoảng nước đang lan rộng ở Ấn Độ, JanaJal góp phần khá hiệu quả giúp người dân giảm thiểu các bệnh lây truyền qua đường nước, đồng thời, hạn chế ô nhiễm nguồn nước và rác thải nhựa.

Tùng Anh (Theo UNICEF)