Print

Ngành dệt may đối mặt nhiều thách thức mới

Thứ Năm, 28 /07/2022 18:28

Ngày 28/7, tại TP.HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức Hội thảo "Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may". Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may- thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex và SaigonFabric 2022), đang diễn ra ở Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP.HCM).

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Phó Tổng Thư ký VITAS cho biết, dệt may Việt Nam có 13.000 DN với hơn 3 triệu lao động; xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 40 tỷ USD- là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, ngành dệt  may hiện gặp nhiều thách thức, bởi nguồn nhân lực bị cạnh tranh gay gắt, thiếu nguyên phụ liệu, DN trong ngành thiên về xuất khẩu với tỷ lệ khoảng 80%, chưa chú trọng thị trường nội địa và chưa bán B2C (mô hình kinh doanh, sử dụng riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử) trên thương mại điện tử. Dự báo, trong thời gian tới, nguồn nhân lực cũng là vấn đề rất nan giải, không chỉ cạnh tranh trong nội bộ ngành, mà còn với những ngành nghề, lĩnh vực khác.

Đặc biệt, theo bà Trần Thị Tuyết Mai, tình hình xuất khẩu năm 2022 rất khó lường, ảnh hưởng đến nhiều DN sản xuất. Cụ thể, đầu năm các DN nhận rất nhiều đơn hàng nhưng thiếu lao động, không có người sản xuất, nên nhiều DN phải tìm chỗ gia công. Bước sang quý II, tình hình xung đột ở Ukraine, giá dầu tăng và dịch bệnh đã tác động đến thói quen tiêu dùng của người dân nhiều nước. Sức mua áo quần, thời trang giảm mạnh, hàng tồn không bán được; các nhãn hàng không ký kết hợp đồng mới. Chính vì vậy, một số DN không có đơn hàng, nên buộc phải tính toán phương án điều chỉnh lao động như cho công nhân nghỉ làm thứ Bảy, nghỉ phép...

Đại diện VITAS cũng cho hay, Hiệp hội đang tiến hành thống kê, để có hướng hỗ trợ về sản xuất, đầu ra cho ngành, trong đó tập trung vào những DN có lượng đơn hàng giảm nhiều, tác động lớn đến công nhân.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, để thích ứng thì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, DN nào đủ tiềm lực và khả năng đầu tư thì DN ấy thích ứng được với yêu cầu đa dạng nhãn hàng. Đối với ngành dệt may, chuyển đổi số cần giải pháp thay đổi hoàn toàn cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho DN. Bên cạnh đó, xu thế "xanh hóa" dệt may cũng là vấn đề cần lưu ý. Để có thể giữ được đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, DN cần phải đáp ứng minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu sản xuất phải nội địa hóa; tuân thủ cam kết lao động và môi trường...

Ông Phạm Xuân Trình- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) chia sẻ, chuyển đổi số là một trong những vấn đề mà ngành dệt may tập trung thúc đẩy qua từng năm cùng với giải quyết năng suất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí quản trị, vận hành... Trong đó, kỹ thuật số và tự động hóa là nền tảng chuyển đổi số, giải quyết vấn đề công nghệ và lao động cho ngành dệt may. Đây cũng là giải pháp mà các DN dệt may đã chuẩn bị và theo đuổi trong thời gian dài theo chiến lược bền vững.

“Nếu trước đây DN ngành dệt may dựa vào lợi thế nguồn lao động giá rẻ, chưa chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ cao, thì hiện nay trước sức ép cạnh tranh giá nhân công, đòi hỏi nhiều DN phải chủ động tích luỹ nội lực để đầu tư công nghệ. Đó là, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), vào tự động hóa…” - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói.

Phạm Thọ