Print

Nâng cao năng suất lao động thông qua công nghệ

Thứ Năm, 28 /07/2022 19:11

Chiều 28/7, tại Hà Nội, Bộ KH-CN phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo về xây dựng chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại Hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt- Bộ trưởng Bộ KH-CN khẳng định, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của phát triển kinh tế, tập trung vào tăng năng suất, hiệu quả, đòi hỏi phải tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất lao động thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Cũng theo chia sẻ của ông Huỳnh Thành Đạt, với triết lý lấy DN làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ KH-CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Bộ đã ban hành nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ DN thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển KHCN tại DN để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Còn ông Lê Quân- Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHCN hàng đầu đất nước, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội. Những năm gần đây, Đại học Quốc gia đã xác lập được vị trí hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế đối với các trường đại học ở khu vực Châu Á và trên thế giới.

Đáng chú ý, chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhiều năm luôn đứng hàng đầu Việt Nam và thuộc nhóm 500 thế giới. “Mới đây nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt Chương trình trọng điểm “KHCN phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh ven biển”. Đây là một điển hình cho mô hình hợp tác phát triển sản phẩm ứng dụng giữa ba bên: Trường Đại học- DN- địa phương. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm KHCN trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh- là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước”- ông Lê Quân khẳng định.

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Phạm Thế Dũng- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết, trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ KH-CN đã xây dựng và triển khai Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Các chương trình, đề án đã hình thành hành lang pháp lý và chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ DN nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

Cũng theo ông Dũng, để các chương trình, đề án đi vào thực tiễn, cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu và DN để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của DN và nền kinh tế. Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ, tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết và quan trọng, giúp DN phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập với quốc tế.

Hồng Nguyễn