Print

Châu Âu xem xét luật bảo vệ NLĐ phải tiếp xúc với thời tiết cực đoan

Thứ Sáu, 29 /07/2022 09:21

Trước tình trạng nhiều đợt sóng nhiệt liên tiếp ập tới Tây Âu, Tổng Liên đoàn Châu Âu (ETUC) đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) thông qua luật quy định nhiệt độ tối đa tại nơi làm việc trong khu vực này, nhằm bảo vệ NLĐ phải tiếp xúc trực tiếp với thời tiết cực đoan.

ETUC cho biết, vào tuần trước có 2 công nhân đã chết vì say nắng ở Tây Ban Nha, trong khi 12 người ở Pháp chết vì tai nạn lao động liên quan đến sóng nhiệt vào năm 2020.

Theo khảo sát của Eurofound, 23% lao động ở Châu Âu tiếp xúc với nhiệt độ cao trong 1/4 thời gian làm việc. Con số này tăng lên 36% và 38% trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Nghiên cứu trước đó cho thấy, nhiệt độ cao có liên quan đến một số căn bệnh mãn tính và làm tăng nguy cơ xảy ra chấn thương tại nơi làm việc.

ETUC cho rằng, NLĐ đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu và họ cần được bảo vệ để đối phó với mối nguy hiểm ngày càng gia tăng từ nhiệt độ cực đoan. Cũng theo ETUC, hiện nay, chỉ có một số ít quốc gia trong khu vực có luật bảo vệ NLĐ trong điều kiện nhiệt độ cao, nhưng với “sự khác biệt lớn” giữa các nước này.

Theo các Công đoàn liên kết với ETUC, công nhân Bỉ có công việc đòi hỏi về thể chất không được phép làm việc khi nhiệt độ vượt quá 22°C. Giới hạn được quy định cao hơn 5°C ở Hungary cho cùng một loại công việc, trong khi với Slovenia giới hạn nhiệt độ là 28°C tại tất cả các nơi làm việc.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiệt độ làm việc tối ưu là từ 16 đến 24°C. Nguy cơ xảy ra tai nạn tại nơi làm việc tăng lên khi nhiệt độ tăng cao hơn ngưỡng này. Các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt bao gồm chóng mặt, nhức đầu và co cứng cơ, sau đó có thể dẫn đến nôn mửa, mất ý thức và tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.

Trước bối cảnh đó, ETUC cho rằng, EU và chính phủ các quốc gia cần thực thi giới hạn nhiệt độ tại nơi làm việc bằng cách đảo ngược tình trạng cắt giảm các thanh tra lao động trong thập kỷ qua. Nhiều nghiên cứu tiết lộ, các cuộc thanh tra đã bị cắt giảm 1/5 kể từ năm 2010, giảm từ 2,2 triệu lượt hàng năm xuống còn 1,7 triệu lượt.

Phó Tổng thư ký ETUC Claes-Mikael Stahl cảnh báo, NLĐ đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu hàng ngày, nên họ cần được bảo vệ một cách thích hợp; đồng thời nhấn mạnh “điều kiện thời tiết không liên quan đến biên giới quốc gia, do đó chúng ta cần luật chung để áp dụng trên toàn EU về nhiệt độ tối đa tại nơi làm việc”. Ông Claes-Mikael Stahl nhấn mạnh: “Các chính trị gia không thể tiếp tục phớt lờ mối nguy hiểm đối với những NLĐ dễ bị tổn thương nhất trong khi họ vẫn ngồi thoải mái trong văn phòng máy lạnh của mình”.

Trong những ngày qua, nắng nóng khắc nghiệt đã bao trùm khu vực Châu Âu với mức nhiệt cao kỷ lục ở nhiều nơi lên đến hơn 40 độ C, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Tại miền Nam Italy, 2 công nhân trang trại đã tử vong vào đầu tháng 7 này, khi đang làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng như thiêu đốt. Trong khi đó, tại Pháp, giới chức y tế cho biết, có 2 người cũng đã tử vong có thể là do nắng nóng trong tuần này.

Trên khắp Châu Âu, các nhà chức trách trong những ngày gần đây đã khuyến nghị người dân làm việc từ xa nếu có thể và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nếu làm việc ngoài trời như uống nhiều nước. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng, các biện pháp phòng ngừa đó là chưa đủ, Châu Âu cần phải đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, theo đó cần thay đổi quy định rằng nếu mức nhiệt đạt 30 độ C thì những lao động ngoài trời cần ngừng làm việc. Nghiệp đoàn CCOO lớn nhất Tây Ban Nha còn đề xuất kéo dài thời gian nghỉ cho những lao động phải tiếp xúc với nắng nóng nhiều nhất và tổ chức các khóa tập huấn cho giới chủ lao động để họ có thể xác định được những vị trí việc làm có nguy cơ cao nhất.

 Thủy Hà