Print

Lĩnh vực du lịch và vận tải có nhiều khởi sắc

Thứ Sáu, 29 /07/2022 10:06

Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022, vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay (29/7), ngành du lịch Việt Nam và lĩnh vực vận tải đều có những tăng trưởng tích cực. Những tín hiệu này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn phục hồi.

Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động vận tải trong tháng 7/2022 diễn ra nhộn nhịp với những kết quả tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 79% về vận chuyển và tăng 64,3% về luân chuyển. Tính chung 7 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 37,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 16,1%, luân chuyển hàng hóa tăng 22,9%.

Lĩnh vực du lịch cũng có tín hiệu khởi sắc với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019- năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Về bức tranh chung của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, minh chứng đà phục hồi sản xuất của các DN trong thời gian này.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 486 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1,8%).

Riêng trong tháng 7, cả nước có gần 13,2 nghìn DN thành lập mới và có 2,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động. Đồng thời, cũng có 5.285 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.416 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.767 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động (tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước); bình quân một tháng có 19,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn DN (tăng 18,7%,) bình quân một tháng có 13,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Lũy kế tổng thu NSNN 7 tháng năm 2022 ước đạt 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế chi NSNN đạt 842,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán năm và tăng 3,7% so với 7 tháng năm 2021, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Thái An