Print

Giải quyết tình trạng nghèo đói của phụ nữ châu Âu

Thứ Sáu, 29 /07/2022 11:17

Theo báo cáo của Nghị viện Châu Âu, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói của phụ nữ châu lục này.

Cụ thể, phụ nữ châu Âu có nguy cơ nghèo đói cao hơn nam giới. Tỷ lệ nghèo ở nam giới châu Âu trung bình là 20,4%, con số này ở nữ giới là 22,3%. Sự chênh lệch tăng lên ở các nhóm tuổi lớn hơn. Kể từ năm 2017, khoảng cách nghèo đói về giới ở châu Âu đã gia tăng ở 21 quốc gia thành viên EU.

Ông Olivier De Schutter, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nghèo cùng cực và nhân quyền, lý giải: Sự chênh lệch thu nhập giữa nam giới và nữ giới châu Âu có nguyên nhân chính do nam giới được mặc định là chủ gia đình. Trong hộ gia đình, thường phân chia lao động theo phương thức khiến phụ nữ khó tìm được việc làm toàn thời gian (full-time). Cụ thể, phụ nữ thường phải dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc gia đình, con cái, nên thường chỉ có thể làm việc bán thời gian (part-time).

Bên cạnh đó, phụ nữ chiếm đa số trong các hộ gia đình đơn thân và có tới 40% trong số họ phải đối mặt với tình trạng nghèo đói. Đại dịch Covid-19 chỉ làm tăng thêm khó khăn cho đối tượng này, vì nhiều phụ nữ châu Âu phải từ bỏ công việc toàn thời gian do thị trường lao động biến động. Ngoài ra, việc đóng cửa trường học để phục vụ giãn cách xã hội khiến trẻ em phải ở nhà cũng ảnh hưởng đến nữ giới. Do nữ giới thường đảm nhận việc chăm sóc con cái nhiều hơn nam giới, nên họ lại càng phải hi sinh sự nghiệp và thu nhập vì gia đình.

Thậm chí, còn một dạng đói nghèo khác ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ châu Âu là có một bộ phận nữ giới không có khả năng tiếp cận các sản phẩm phục vụ kỳ kinh nguyệt hằng tháng. Theo thống kê, trên khắp châu Âu, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người không đủ tiền để mua bang vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt. Tại một số quốc gia châu Âu như Scotland và Hà Lan, một trong những biện pháp hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo đói là tăng cường khả năng tiếp cận với nhu yếu phẩm, trong đó có bang vệ sinh.

Báo cáo mà Nghị viện Châu Âu vừa công bố đặt ra 3 mục tiêu chính: Thiết lập một chiến lược chống đói nghèo tập trung vào phụ nữ từ nay đến năm 2030; Hỗ trợ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động; Hạn chế các chính sách thuế đối với các sản phẩm vệ sinh phụ nữ. Các thành viên Nghị viện châu Âu đặc biệt khuyến khích các quốc gia thành viên hỗ trợ phụ nữ thoát khỏi bạo lực gia đình; kêu gọi bảo đảm phụ nữ được trả lương bình đẳng và được đánh giá công bằng tại nơi làm việc; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em cơ bản của phụ nữ…

Tùng Anh (Theo European Parliament News)