Print

Làm thế nào giảm gánh nặng trợ giá xe buýt?

Thứ Bảy, 30 /07/2022 14:29

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do Báo Giao thông tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý và DN đều bày tỏ quan tâm vấn đề làm sao để giảm gánh nặng trợ giá xe buýt và giải quyết các bất cập, để phát triển vận tải hành khách công cộng.

Gánh nặng trợ giá xe buýt

Nội dung "làm sao trợ giá xe buýt hiệu quả và giảm gánh nặng cho ngân sách" hiện đang là vấn đề rất được quan tâm. Chia sẻ tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng, trợ giá xe buýt của TP.HCM hơn 1.000 tỷ đồng/năm, song xe buýt của TP.HCM hiện đang rất bế tắc. Giao thông công cộng đang như “đứa con được nuôi mà không chịu lớn”; xe buýt không chạy được, không có khách thì trợ giá hay không trợ giá cũng không có ý nghĩa; mà xe buýt không có tương lai thì giao thông công cộng không đứng vững được.

Việc trợ giá xe buýt đang tạo gánh nặng cho ngân sách thành phố

Theo nhiều DN, trong tình hình hiện tại, nếu không có trợ giá mạnh mẽ thì xe buýt không thể tồn tại được, do kinh doanh không hiệu quả. Đại diện HTX Vận tải số 15 TP.HCM khẳng định, đến thời điểm này, xe buýt không trợ giá không thể tiếp tục hoạt động được. Lý do là phương tiện giao thông dày đặc, xe buýt chậm, hành khách vắng…

Về hiệu quả trợ giá xe buýt, ông Võ Khánh Hưng- Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đưa ra ví dụ: Một bên không trợ giá, nhà nước không mất tiền, giá vé là 20-30 nghìn đồng; còn một bên có trợ giá, nhà nước mất tiền, giá vé 5-7 nghìn đồng. Điều này dẫn đến việc người dân chắc chắn sẽ chọn bên 5-7 nghìn. Ông Hưng cũng thừa nhận, xe buýt TP.HCM còn hạn chế, chất lượng phục vụ dù có kiểm soát, nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Ở một số HTX, xe buýt loại hình không trợ giá, chất lượng xe không được tốt một phần là do lịch sử để lại…

Do đó, theo ông Hưng, để phát triển xe buýt, hiện TP.HCM có đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân- đề án này kèm 27 đề án nhỏ trong đề án tổng thể. Đề án có nhiều nội dung công việc cần được tiếp tục nghiên cứu và Sở GTVT đang tính toán đầu tư xe buýt nhỏ từ 7-12 chỗ phục vụ nhu cầu hành khách trong các tuyến đường nhỏ, hẻm…

Ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) chia sẻ, khi nhìn thấy bảng so sánh về tiền trợ giá và lượng hành khách, bản thân ông cũng phân vân khi tiền trợ giá cao, lượng hành khách thấp. "Vận tải hành khách công cộng bắt buộc phải có trợ giá, nhưng giải pháp là sao cho trợ giá hiệu quả nhất. Đồng thời, phải đảm bảo trợ giá ổn định, không thể năm nay có nhiều tiền thì chạy nhiều, sang năm ít tiền thì chạy ít đi và Sở GTVT TP.HCM cần có kế hoạch lâu dài…"- ông Thủy kiến nghị.

Tiên phong trong xe buýt không trợ giá

Điều dư luận đang quan tâm là chất lượng xe buýt có trợ giá và không có trợ giá sẽ như thế nào? Xét cho cùng, xe buýt là loại hình vận tải công cộng, nên ngoài hiệu quả kinh doanh, thì vấn đề đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội mới quan trọng nhất. Do đó, cần có sự tính toán tuyến nào trợ giá hay không sao cho phù hợp. Đồng thời, dư luận cũng mong muốn các DN tham gia vào các tuyến xe buýt không trợ giá để giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng.

Phương Trang đủ tiềm lực tham gia lĩnh vực xe buýt không trợ giá

Về vấn đề này, ông Đào Viết Ánh- Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang cho biết, hiện TP.HCM còn hơn 30 tuyến buýt không trợ giá đang tạm ngưng và Phương Trang có đủ xe, đủ tiềm lực, nhân lực để tham gia vào lĩnh vực xe buýt này. “Một số DN, HTX xe buýt đang rất khó khăn trong vận hành, chúng tôi biết điều đó. Nhưng chúng tôi cũng biết, bản thân phải luôn giữ được chất lượng dịch vụ, đừng để lúc đầu làm tốt, rồi sau đó bị mai một đi. Chúng tôi vẫn giữ phương châm “chất lượng là danh dự”. Với tiềm lực sẵn có, Phương Trang tự tin sẵn sàng tham gia bất kỳ tuyến buýt nào. Minh chứng là chúng tôi đã đấu thầu thành công tuyến Tân Phú-Tiền Giang dài 72km dự kiến khai thác đầu tháng 8 này”- ông Ánh chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Viết Ánh khẳng định, đơn vị tự tin về chất lượng xe buýt- dù trợ giá hay không trợ giá. Theo ông Ánh, việc thay đổi phương thức là do Nhà nước quản lý; đồng thời tin rằng, người dân TP.HCM sẽ yêu thích và sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển. Khi chất lượng xe buýt đồng bộ với dịch vụ, người dân đi lại đông và ưu tiên hàng đầu của họ khi đi lại là xe buýt, thì DN không thể lỗ và Nhà nước ít bù giá lại hoặc thậm chí không cần trợ bù giá, nhất là những tuyến ngắn trong nội đô thành phố.

“Phương Trang rất tự hào và tự tin với chuyên môn, kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh và vận tải hành khách công cộng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với phương châm luôn luôn lấy chất lượng xe tốt, xe sạch sẽ, hệ thống cao cấp quản lý bằng CNTT, chất lượng dịch vụ của lái xe, nhân viên phục vụ hành khách tốt nhất, thì chúng tôi tin chắc rằng, trong tương lai gần, người dân TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành khác có Phương Trang đầu tư sẽ sử dụng phương tiện xe buýt làm phương tiện di chuyển ưu tiên hàng đầu của họ. Khi chất lượng xe buýt thật tốt, chất lượng dịch vụ phục vụ khách thật tốt, luôn tuyệt đối ân cần, tôn trọng hành khách, thì vấn nạn đau đầu lâu nay là việc người dân tẩy chay xe buýt công cộng sẽ bị triệt tiêu, vấn đề trợ giá cũng sớm tự triệt tiêu”- ông Ánh khẳng định.

Sông Trà