Print

Australia: Áp dụng Hệ thống Phúc lợi mới dựa trên điểm

Thứ Hai, 01 /08/2022 12:42

Hệ thống Phúc lợi dựa trên điểm mới của Australia có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2022, nhằm bổ sung, sửa đổi hệ thống trước đó để tăng độ tiếp cận cho đối tượng cần được hỗ trợ trong xã hội.

Theo The Guardian, Australia mặc dù là một trong những quốc gia có GDP cao nhất thế giới (xếp thứ 13/195 quốc gia) song có một thực tế là cứ 8 người Australia thì có 1 người sống trong cảnh nghèo đói. Do đó, Hệ thống Phúc lợi dựa trên điểm mới của Australia hướng đến xóa đói giảm nghèo bằng cách khuyến khích người dân gia nhập hoặc trở lại lực lượng lao động để họ có thu nhập, không cần dựa nhiều vào phúc lợi của Chính phủ.

Theo Hệ thống Phúc lợi dựa trên điểm mới, người tìm việc sẽ không phải đáp ứng yêu cầu hiện tại là nộp đơn ứng tuyển vào 20 công việc để đủ điều kiện nhận phúc lợi – việc mà khi triển khai thực tế, nhiều người cho là quá cứng nhắc. Thay vào đó, Chính phủ áp dụng cách tính điểm, người tìm việc sẽ tích lũy một số điểm nhất định trong suốt tháng để đủ điều kiện nhận phúc lợi cho tháng đó. Hệ thống mới đang gây nhiều luồng ý kiến trái chiều, người ủng hộ cho rằng nó sẽ giải quyết hiệu quả một số vấn đề phúc lợi đang bất cập của Australia, còn người chỉ trích lại cho rằng làm vậy sẽ hạn chế quyền lợi phúc lợi của đối tượng người yếu thế.

Tỷ lệ thất nghiệp của Australia tính đến năm 2022 là 3,5%, là mức được đánh giá là tương đối thấp, song nhiều người dân tham gia các khảo sát vẫn cho biết mình cần việc làm. Nguyên nhân là tỷ lệ người làm việc bán thời gian (part-time) vẫn cao so với công việc toàn thời gian (full-time), thu nhập kém hơn hẳn. Năm 2020, 13,6% người Australia sống dưới mức nghèo. Một báo cáo năm 2010 của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Úc (ACOSS) nhận định, một bộ phận người Australia chưa có khả năng tận dụng hiệu quả các cơ hội việc làm hiện có của họ. Thêm vào đó, hệ thống Phúc lợi cũ chưa thực sự hỗ trợ được những người cần viện trợ để thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Mặc dù hầu hết người Australia vẫn tham gia lực lượng lao động ít nhất ở một mức độ nào đó nhưng thu nhập rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, cũng như hộ gia đình. Do đó, Hệ thống Phúc lợi vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng. Tính đến năm 2020, cứ 6 trẻ em ở Australia thì có 1 trẻ sống em trong cảnh đói nghèo, điều này dẫn đến bất bình đẳng kinh tế- xã hội đáng kể sau này trong cuộc sống. Ví dụ, trẻ em có nền tảng kinh tế- xã hội thấp hơn có khả năng hoàn thành giáo dục trung học ít hơn trẻ em có nền kinh tế - xã hội cao hơn. Sự chênh lệch này càng trầm trọng hơn khi trẻ em bước vào giai đoạn trưởng thành, vì rõ ràng người có trình độ học vấn cao hơn thường có nhiều cơ hội việc làm hơn và mức thu nhập cũng cao hơn.

Như vậy, tỷ lệ đói nghèo ở Australia dường như đã chậm lại trong thập kỷ qua, khá ổn định ở mức khoảng 13%. Mặc dù con số này vẫn còn cao nhưng Australia vẫn rất lạc quan về thời cuộc do Chính phủ đã áp dụng khá nhiều chính sách mới, chẳng hạn như Hệ thống Phúc lợi dựa trên điểm mới, đang bước đầu có hiệu quả. Hệ thống Phúc lợi dựa trên điểm mới cần có đủ thời gian để phát huy hiệu quả nhưng người Australia đặt hy vọng hệ thống này sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ nghèo đói, vì nó hướng đến đối tượng người dân có nhu cầu nhất.

Tùng Anh (Theo The Guardian)