Print

Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Thứ Hai, 01 /08/2022 14:07

Sáng 1/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị.

Tại Hội nghị, sau khi nghe các báo cáo và phát biểu của đại biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Xây dựng đã có báo cáo rất cụ thể, đầy đủ về thực trạng kết quả thực hiện, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp; cũng như đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng này. Đáng chú ý, có nhiều tham luận, đề xuất rất tâm huyết và thiết thực từ các DN đầu tư, kinh doanh bất động sản về việc triển khai đầu tư xây dựng quỹ nhà ở cho công nhân…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phù hợp. Trong đó, tập trung chỉ đạo cụ thể các định hướng, giải pháp sửa đổi, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành, nhằm tiếp tục giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, các cấp, các ngành và DN đã tích cực vào cuộc hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần tập trung khắc phục. Đơn cử: Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời (về đối tượng tham gia, thụ hưởng, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua bán). Việc thực hiện chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước, nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội; các chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, chưa sát thực tế, nên không thu hút, khuyến khích được nhà đầu tư…

Đáng chú ý, NSNN còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; cũng chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống. Nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm. Còn nhiều DN trong các KCN chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân của DN mình…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ rõ những quan điểm, định hướng lớn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cũng như mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người có thu nhập thấp. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.

Để xây dựng và triển khai hiệu quả đề án, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030, để Chính phủ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở cho chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ theo định hướng trên; nghiên cứu bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình. Đặc biệt, cắt giảm tối đa TTHC phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các DN có động lực để phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có nội dung về phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn và hằng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các DN sử dụng nhiều lao động tại các KCN có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân làm việc tại các DN đó.

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất giải pháp phát triển nhà ở công nhân

Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các DN đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; nghiên cứu việc cho vay phát triển nhà trọ cho công nhân.

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP; cũng như gói hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, NLĐ theo đúng quy định của pháp luật. Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các KCX-KCN.

Các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021) làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.

Thực hiện nghiêm quy định về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị và KCN mới, nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Đối với các dự án nhà ở xã hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện.

Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều KCN, tập trung nhiều công nhân như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương…, cần căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35/2022/NQ-CP của Chính phủ để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các DN sản xuất và DN bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Sớm lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các DN quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

PV