Print

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ ngành du lịch

Thứ Tư, 03 /08/2022 07:42

Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt đại biểu thành viên CLB Giao lưu Kinh tế, Văn hóa và Du lịch (Viện Kinh tế- Văn hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất rất nặng nề nhưng cũng là dịp để nhìn nhận lại và có quyết tâm cao hơn nữa trong việc tái cơ cấu căn bản, toàn diện ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch năm 2017.

Lần này, phải tái cơ cấu toàn diện cả về môi trường du lịch. Hạ tầng du lịch, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, trong đó hạ tầng mềm là khuôn khổ cơ chế, chính sách; doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch trên cơ sở phải đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về du lịch. “Từ nhận thức du lịch với vai trò là một hoạt động vui chơi, giải trí trước đây đến nhận thức du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang đậm giá trị văn hoá, mang tính liên kết ngành, vùng đến tư duy phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn như Bộ Chính trị đã khẳng định tại Nghị quyết 08 là một bước tiến rất dài. Đây là Nghị quyết có tính đột phá”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đâu đó trong tư duy, nhận thức và hành động của chúng ta vẫn chưa coi du lịch là một ngành kinh tế. Chưa ứng xử với nó như một ngành kinh tế mũi nhọn nên hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch vẫn là vấn đề phải tập trung trong thời gian tới.

Chia sẻ những cách làm du lịch rất độc đáo và hiệu quả của một số nước trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan trọng nhất vẫn phải là tư duy, tầm nhìn, là cách làm du lịch và sản phẩm du lịch như thế nào. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến của các đại biểu rằng du lịch là một chuỗi liên kết rất chặt chẽ giữa các ngành, các vùng. Trong tái cấu trúc ngành du lịch, phải gắn rất chặt với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, cách mạng- nguồn tài nguyên vô cùng đồ sộ, phong phú và quý giá của đất nước ta.

Với 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc, phát triển du lịch còn phải gắn với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS. Như vừa qua đã có những mô hình làm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản rất thành công tại Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu... Các địa phương góp phần cùng với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ thuộc lĩnh vực du lịch bởi hiện nay, mặc dù du lịch đã có những bước phục hồi tích cực nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, trên cơ sở kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng một chương trình mục tiêu về phát triển văn hoá, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích...

Nguyệt Hà