Print

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện

Thứ Tư, 03 /08/2022 15:09

Ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, kết nối trực tuyến tới các địa phương. Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Đánh giá cao triển vọng phát triển

Tại cuộc họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đánh giá tại cuộc họp, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ, cơ bản ổn định so với cùng kỳ từ năm 2018 đến nay; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỉ giá duy trì hợp lý; tín dụng tăng 9,42% so với cuối năm 2021 và tăng 16,6% so với cùng kỳ; các cân đối lớn được bảo đảm (thu-chi; xuất-nhập khẩu; cung-cầu lao động, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1%.

Về chương trình phục hồi và phát triển, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành, cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn; nhiều nội dung lần đầu tiên triển khai nhưng đã được nhanh chóng xây dựng, đánh giá tác động và ban hành theo đúng quy định. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình đạt kết quả tốt, thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ.

Phát triển DN đạt kết quả tích cực, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 7 là 15.500 DN, 7 tháng là 133,7 nghìn DN (gấp 1,4 lần số DN rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng là trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 37,2% so cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tổ chức an toàn, hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đã hỗ trợ 728.500 lượt người sử dụng lao động và 50 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 82,1 nghìn tỷ đồng. ASXH được bảo đảm, đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 81,6%.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam. Theo báo cáo mới đây, chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 các quốc gia trên bảng xếp hạng, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ - cơ chế điều hành, giám sát việc thực hiện Công ước 2003 - nhiệm kỳ 2022-2026 của UNESCO, với số phiếu cao.

"4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không"

Kết luận nội dung thảo luận về kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".

Theo đó, cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Việc tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ hiện nay.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển DN và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng chống tăng cường tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.

Tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Kiên quyết không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh: trong tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, nhiệm vụ là rất nặng nề, đề nghị các cấp, các ngành phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vai trò tập thể lãnh đạo và trách nhiệm người đứng đầu, bám sát tình hình thực tiễn, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả, phát hiện kịp thời, xử lý các vấn đề phát sinh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Minh Đức