Print

Năm 2025: 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số

Thứ Năm, 04 /08/2022 15:34

Sáng 4/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng do NHNN Việt Nam tổ chức.

Sự kiện được kết nối trực tuyến tới 63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính-ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.

NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng Ban Chỉ đạo; phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 11/5 được chọn là Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Kế hoạch được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm, với các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025, như 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị.

Có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC, tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Phân tích về sự khác biệt giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Công nghệ thông tin tập trung vào mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn. Phục vụ nhà quản lý, làm dễ việc cho họ. Chuyển đổi số tập trung vào mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân, lấy người dân, người dùng, người sử dụng làm trung tâm.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi. Chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Tinh thần là chuyển đổi số một cách toàn diện, mạnh mẽ với sự tham gia của người dân, DN và Nhà nước, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Theo Thủ tướng, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó. Nhìn rộng hơn, những ngành có nhiều quan hệ với người dân và doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong.

Thủ tướng đánh giá lãnh đạo NHNN và toàn ngành ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia

NHNN cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng nêu rõ, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi ngành ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số; đánh giá kỹ tình hình, kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế; phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, DN và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính.

Cùng với đó, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, DN.

Về thúc đẩy triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, DN. Cùng với Đề án 06, NHNN cần đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến ngành ngân hàng trên Cổng DVC quốc gia.

Đồng thời, tiếp tục chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

“Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, DN, giúp người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng…”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủy Hà