Print

Làm sao để kiểm soát khó thở hậu Covid-19 ở người lớn?

Thứ Sáu, 05 /08/2022 11:47

Hậu COVID là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có thể gây nên tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nhằm hỗ trợ người bệnh khắc phục bệnh lý này, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm Covid-19 ở người lớn.

Theo thống kê, khoảng 10-35% bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ, không cần nhập viện có triệu chứng sau nhiễm Covid cấp tính, bất kể tình trạng bệnh nền; tuy nhiên, đối với bệnh nhân có bệnh nền, cần nhập viện vì Covid-19, tỷ lệ này có thể lên đến 80%. Việc đánh giá và quản lý các vấn đề hậu Covid-19 đến nay vẫn cần có sự đồng thuận và tiếp cận đa ngành, cũng như các nghiên cứu để làm rõ mọi khía cạnh.

Mặc dù vậy, theo định nghĩa thuật ngữ của Viện Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (National Institute for Health and Clinical Excellence - NICE) đưa ra vào tháng 3/2022, Covid cấp (acute Covid-19), có triệu chứng kéo dài 4 tuần; Covid bán cấp (ongoing symptomatic Covid-19), triệu chứng kéo dài 4-12 tuần; hậu Covid (post-Covid-19 syndrome), triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài >12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác; Covid kéo dài (long Covid), triệu chứng tiếp diễn hoặc xuất hiện sau giai đoạn Covid cấp.

Bộ Y tế nhấn mạnh, khó thở là triệu chứng hay gặp ở người vừa khỏi bệnh Covid-19. Nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở có thể do phổi, tim mạch hay yếu cơ. Khi khó thở, người bệnh hãy bình tĩnh, dừng các hoạt động gắng sức và lựa chọn tư thế phù hợp để giảm khó thở, tập thở theo nhịp: Hít vào trước khi hoạt động gắng sức; thở ra trong khi hoạt động gắng sức; lựa chọn tư thế có thể làm giảm khó thở như nằm sấp hoặc nằm nghiêng đầu cao hoặc ngồi cúi đầu ra phía trước... Người bị khó thờ cần tiết kiệm năng lượng và kiểm soát mệt mỏi, tránh bị quá tải. Khi mức năng lượng và các triệu chứng được cải thiện, mức độ hoạt động có thể được tăng dần lên một cách có kiểm soát theo thời gian. Lưu ý, khi khó thở, ăn uống trở nên rất khó khăn, do đó, người bệnh có thể ngồi thẳng lưng khi ăn; ăn uống chậm rãi và hít thở đều; nên ăn lúc ít khó thở; ăn lượng ít nhưng giàu năng lượng, nhiều protein, ăn thường xuyên trong ngày; ăn thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt như súp, thịt hầm; tránh thức ăn quá nóng, quá lạnh.

Tại Hướng dẫn, Bộ Y tế cũng đưa ra Chương trình Phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau xuất viện. Theo đó, người bệnh Covid-19 nhẹ và trung bình cần chủ yếu nâng cao thể lực và điều chỉnh tâm lý; tập các bài tập aerobic được lựa chọn để người bệnh phục hồi dần mức độ hoạt động như trước khi bệnh khởi phát và sớm trở lại tham gia các hoạt động xã hội.

Trường hợp người bệnh Covid-19 nặng/nguy kịch sau khi xuất viện thường bị rối loạn chức năng hô hấp và/hoặc vận động nên cần được điều trị phục hồi chức năng đầy đủ; có thể lực kém, khó thở sau gắng sức, teo cơ (bao gồm cả cơ hô hấp, cơ thân mình và cơ chi) và rối loạn tâm lý; do đó, bác sĩ chuyên khoa cần được tư vấn về các biện pháp phòng ngừa nếu người bệnh có các bệnh đi kèm như tăng áp động mạch phổi, viêm cơ tim, suy tim sung huyết, huyết khối tĩnh mạch sâu và gãy xương không ổn định trước khi bắt đầu điều trị phục hồi chức năng hô hấp.

Về tư vấn giáo dục sức khỏe, lưu ý người bệnh hậu Covid cần có lối sống lành mạnh; tham gia các hoạt động gia đình và xã hội; tham khảo tài liệu sách và video hướng dẫn giải thích tầm quan trọng, chi tiết cụ thể và các biện pháp phục hồi chức năng để tăng cường sự tuân thủ của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh hậu Covid có thể tự phục hồi chức năng sau khi xuất viện bằng: Các bài tập aerobic, Tập luyện sức bền, Tập thăng bằng, Tập thở.

Tùng Anh