Print

Nỗ lực của Ấn Độ trong giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần

Thứ Hai, 08 /08/2022 11:35

Tamil Nadu không phải là bang đầu tiên của Ấn Độ cố gắng giảm thiểu ô nhiễm nhựa, song là một trong những bang có chế tài xử phạt nghiêm ngặt nhất quốc gia đối với vấn đề này.

Bà Amul Vasudevan, một người bán hàng rong ở bang Tamil Nadu, thuộc miền Nam Ấn Độ, từng nghĩ rằng sẽ phải ngưng việc kinh doanh của mình. Chính quyền bang ra lệnh cấm các nhà bán lẻ sử dụng túi nhựa dùng một lần, trong khi loại túi này rất quan trọng đối với sinh kế của bà vì chúng quá rẻ. Bà Vasudevan không đủ khả năng để chuyển sang sử dụng túi giấy hay túi vải có thể tái sử dụng. Tamil Nadu không phải là bang đầu tiên của Ấn Độ cố gắng giảm thiểu ô nhiễm nhựa, song là một trong những bang có chế tài xử phạt nghiêm ngặt nhất quốc gia đối với vấn đề này. Bà Vasudevan đã bị xử phạt nhiều lần vì sử dụng túi nhựa dùng một lần.

Một người thu thập phế liệu đang săn lùng những món đồ nhựa hữu ích tại một bãi rác ở Chennai (Ấn Độ)

Bây giờ, 3 năm sau khi lệnh cấm có hiệu lực, việc sử dụng túi nhựa dùng một lần của bà Vasudevan đã giảm hơn 2/3, hầu hết khách hàng của bà đều mang theo túi vải có thể tái sử dụng. Nhiều đường phố ở bang Tamil Nadu, bang dân số đang là hơn 80 triệu người, phần lớn không có rác thải nhựa. Tuy nhiên, chính quyền bang Tamil Nadu chưa thực sự lạc quan về sự thành công tuyệt đối của chiến dịch này vì nhiều người dân vẫn bất chấp bị xử phạt mà không tìm các giải pháp thay thế cho đồ nhựa dùng một lần. Vì vậy, kinh nghiệm của bang Tamil Nadu được coi là bài học cho các tỉnh, thành còn lại của Ấn Độ- quốc gia vừa đưa ra lệnh cấm trên toàn quốc đối với việc sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng một số loại nhựa dùng một lần có hiệu lực trong tháng này. Bà Vasudevan cho biết: “Thực ra chỉ có thể loại hoàn toàn nhựa dùng một lần nếu khách hàng đưa ra quyết định chứ không phải người bán. Đây là một việc cần cả một quá trình, không thể làm được trong một sớm một chiều”.

Trên khắp các đô thị và làng mạc của Ấn Độ, cuộc sống hàng ngày của người dân có thể nói là song hành với nhựa dùng một lần- được coi là một trong những hiểm họa môi trường tồi tệ nhất. Không lấy gì làm lạ vì Ấn Độ là quốc gia có lượng rác thải nhựa đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hiện nay, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cấm một số đồ nhựa dùng một lần, bao gồm cốc, đĩa, dao kéo, ống hút và tăm bông dùng một lần. Túi nhựa sử dụng một lần bị cấm nhưng túi nhựa dày, có thể tái sử dụng, vẫn được lưu hành. Lệnh cấm không bao gồm chai nước ngọt, bao bì nhựa đựng khoai tây chiên hay đồ ăn nhẹ khác.

Sau Bangladesh, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc, Ấn Độ đang trong nỗ lực quy mô lớn nhằm giảm rác thải nhựa. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, kế hoạch này của Chính phủ là một trong những kế hoạch đầy tham vọng nhất vì nó nhắm đến toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến sử dụng nhựa dùng một lần. Điều còn lại là phải xem các nhà chức trách sẽ cam kết thực thi luật mới như thế nào. Ông Ravi Agarwal, người đứng đầu Toxics Link, một nhóm vận động tập trung vào quản lý chất thải, cho biết: “Một lệnh cấm chung rất khó thực hiện, trừ khi các chính quyền địa phương áp dụng hành động nghiêm khắc đối với những người vi phạm và xây dựng quan hệ đối tác với người dân. Nếu không, lệnh cấm sẽ nhanh chóng kém hiệu quả với số lần xử phạt lẻ tẻ".

Năm ngoái, Tamil Nadu ra lệnh cấm túi nhựa dùng một lần dạng mỏng. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hợp tác của người dân cũng rất quan trọng. Ví dụ, từ phản ánh của người dân về việc tắc nghẽn hệ thống thoát nước, cống rãnh do nhựa dùng một lần, các nhân viên cảnh sát mặc thường phục đã đi khắp phố phường để truy tìm nguyên nhân. Gần một khu hàng rong bán rau và hoa lài, họ thấy một người bán hàng rong đang đóng gói sản phẩm cho khách hàng bằng túi nhựa dùng một lần. Cảnh sát đã phạt người bán hàng đó, tiến hành thu giữ hàng chục kg túi nhựa dùng một lần từ những người bán hàng khác, phạt tiền và đe dọa bỏ tù họ.

Kể từ tháng 12/2019, Tamil Nadu đã thu được hơn 1,3 triệu USD tiền phạt về việc sử dụng túi nhựa dùng một lần. Thế nhưng, ngay sau khi cảnh sát xử phạt xong, một số người bán hàng vẫn tiếp tục sử dụng những chiếc túi bị cấm. Bà Vasudevan, người đã lâu rồi không bị phạt, hiến kế: “Chính phủ phải tìm ra các giải pháp tìm vật dụng thay thế với giá thành thấp thì mới hiệu quả ngăn chặn việc sử dụng túi nhựa một lần. Người giàu hiểu việc sử dụng túi nhựa một lần có thể làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe nhưng đối với người nghèo, họ chỉ quan tâm trước mắt đến giá tiền, cái gì rẻ thì họ ưu tiên sử dụng”.

Tamil Nadu ghi nhận ý kiến người dân và cố gắng giải quyết vấn đề đó bằng việc trợ giá, cũng như thực hiện các chiến dịch tuyên truyền sử dụng túi vải. Tại lối vào của chợ đầu mối Koyembedu (Chennai), chính quyền đã lắp đặt 2 máy bán hàng tự động chứa 800 túi vải, mỗi túi 12 xu. Máy được bổ sung sản phẩm 2 lần/ngày. Mặc dù lệnh cấm túi nhựa dùng một lần chắc chắn làm tổn hại đến sinh kế, chẳng hạn như những người liên quan đến việc sản xuất và bán nhựa dùng một lần, song nó mang lại lợi ích cho những người khác. Cách Chennai khoảng 25 dặm về phía Tây, ở làng Nemam, khoảng hai chục cô thợ may đang cấp tốc may những túi vải. Bà Deepika Sarvanan, người đứng đầu một nhóm tự lực địa phương dành cho phụ nữ, cho biết: “Chúng tôi đang có nhiều đơn hàng túi vải hơn bao giờ hết. Vậy mà chưa đáp ứng được 0,1% nhu cầu".

Nhưng đối với một số cơ sở kinh doanh, chẳng hạn như những cơ sở bán đồ tươi sống, túi nhựa dùng một lần rất khó thay thế. Ông Mageesh Kumar, một người bán cá cảnh tại chợ Kolather (Chennai), cho biết: “Không ai muốn phá hủy môi trường. Nhưng nếu chúng tôi không bán cá cảnh bằng túi nhựa dùng một lần thì không còn cách nào khác. Chúng tôi sẽ nuôi sống gia đình mình như thế nào?”. Hiện tại, ông Kumar và những người buôn bán mặt hàng tươi sống như ông đang sử dụng những chiếc túi nhựa dày và họ yêu cầu khách hàng trả lại hoặc tái sử dụng sau khi mang đồ tươi sống về nhà.

Tuy nhiên, có một điều đáng ghi nhận là Tamil Nadu đã đạt được nhiều tiến bộ hơn các bang khác trong việc cố gắng hạn chế sử dụng nhựa một lần. Các bãi biển, khu dân cư và khu công nghiệp hầu như không có rác nhựa. Nhiều người dân rất chăm chỉ thu gom nhựa để tái chế và phân loại rác thải. Đi đầu bang là Nilgiri, vùng du lịch nổi tiếng với các thị trấn trên đồi và đồn điền chè, nơi này đã cấm đồ nhựa dùng một lần từ năm 2000. Bà Supriya Sahu, một quan chức cấp nhà nước về môi trường, cho biết: “Nhận thấy mối nguy hiểm của ô nhiễm nhựa sau khi chứng kiến hình ảnh những con bò rừng chết với túi nhựa một lần tìm thấy trong dạ dày của chúng, chính quyền Nilgiri bắt đầu những chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa. Chúng tôi muốn người dân hiểu rằng, nếu muốn du lịch tồn tại và phát triển, phải ngừng sử dụng nhựa một lần. Bất kỳ chương trình nào do chính quyền đề ra chỉ có thể thành công nếu nó trở thành một phong trào tự giác của người dân”.

Vào một buổi chiều ẩm ướt gần đây, chợ Koyembedu đã ghi nhận một dấu hiệu thành công của chiến dịch phòng, ngừa rác thải nhựa. Trong số hơn hai chục cửa hàng hoa, chỉ có hai cửa hàng bán hoa vẫn còn sử dụng nhựa một lần. Ông Richard Edison, một chủ tiệm hoa, cho biết: “Chúng tôi đã bán hoa được gói trong giấy báo trong nhiều năm nay. Mọi người đã có thói quen đòi hỏi việc đó".

Tùng Anh (Theo The New York Times)