Print

Khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số

Thứ Hai, 08 /08/2022 13:42

Sáng 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đã đánh giá tình hình triển khai công tác quý II/2022; đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng các đại biểu của BHXH Việt Nam tham dự phiên họp tại điểm cầu kết nối trực tuyến từ trụ sở 7 Tràng Thi (Hà Nội).

Triển khai đồng bộ nhiều công việc

Theo báo cáo sơ kết chuyển đổi số của Bộ TT-TT, trong 6 tháng đầu năm 2022, mới chỉ có 3 chỉ tiêu về chuyển đổi số đã được hoàn thành gồm: Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán. Báo cáo cũng đã đánh giá chi tiết tình hình ở từng nội dung công việc đã và đang được triển khai.

Cụ thể, về nhận thức số, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là dịp để triển khai các hoạt động hưởng ứng, tập trung vào các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; quảng bá toàn dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam; thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, giúp người dân được thụ hưởng kết quả chuyển đổi số.

Điểm cầu trực tuyến tại BHXH Việt Nam 

Về thể chế số, hiện đã có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022. 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, văn bản của tỉnh ủy, thành ủy về chuyển đổi số. 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch năm 2022.

Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79 Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các DN viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 477/832 thôn "lõm" sóng viễn thông. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money tăng 4 lần so với tháng 1/2022…

Về nhân lực số, 15/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 47/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 40.590 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200.000 thành viên tham gia. 

Về chính phủ số, CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp DVC trực tuyến và các tiện ích cho người dân và DN. Sử dụng thẻ CCCD trong KCB tại 6.361 cơ sở KCB; CSDL quốc gia về BH quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia BHYT, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân. CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử…

Tỷ lệ DVC đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021…

Báo cáo của Bộ TT-TT cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc về nhân lực, kinh phí, cơ chế giám sát triển khai cho chuyển đổi số… Để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, Bộ TT-TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đối số chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương, DN triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo tham luận triển khai chuyển đổi số, tiến độ triển khai các nội dung công việc của các bộ, ngành và UBND một số tỉnh, thành phố…

Cũng tại phiên họp, đại diện Bộ TT-TT đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số- DTI 2021. Có 17 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cung cấp DVC được đánh giá, xếp loại. Theo xếp hạng DTI của nhóm này, năm 2021, Bộ Tài chính xếp thứ 1, Bộ KH-ĐT xếp thứ 2 và BHXH Việt Nam xếp thứ 3. Đáng chú ý, ở một số chỉ số xếp hạng chính, BHXH Việt Nam đạt điểm tương đối tích cực như: Về nhân lực số, BHXH Việt Nam xếp thứ 1; về hoạt động chuyển đổi số, BHXH Việt Nam xếp thứ 2; về nhận thức số, BHXH Việt Nam xếp thứ 3...

Đưa lợi ích chuyển đổi số đến người dân, DN

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, DN, các tổ chức và cá nhân đã quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, nhất là công tác này đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại. Theo đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm. Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động tuy có tăng nhưng vẫn ở mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng DVC trực tuyến và các nền tảng số. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số DVC trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất (người dân sử dụng DVC trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%)…

Vì vậy, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai, truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. Rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; không để chảy máu chất xám hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước.

Bên cạnh phân công, nêu rõ nhiệm vụ cụ thể với từng bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo cần khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết, chỉ thị, văn bản về chuyển đổi số theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, DN.

Minh Đức