Print

Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030

Thứ Tư, 10 /08/2022 10:14

 

Mê-tan (CH4) được coi là loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm thứ hai do con người tạo ra, sau khí CO2; phần lớn khí mê-tan được tạo ra từ phân bò, quá trình thối rữa của rau, hoạt động cày, xới đất, đốt than đá và khí gas...

Đối với khí quyển, một tấn metan có tác hại lớn gấp 25 lần so với một tấn CO2, nhưng do lượng CO2 trong khí quyển lớn hơn vài nghìn lần so với metan nên CO2 vẫn được coi là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng việc giảm phát thải khí mê-tan. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 nhằm thực hiện nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Tại Kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tan CO2 tương đương (CO2tđ), giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.

Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ, giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 30,7 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 8,1 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 0,8 triệu tấn CO2tđ.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách (trong đó, xây dựng, thực hiện chi tiết giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác than…); Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi; Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải và xử lý nước thải; Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong khai thác, chế biến dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (trong đó, nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong theo dõi và giám sát phát thải, thu hồi, sử dụng khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác than, khai thác và chế biến dầu khí, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch); Tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực…

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức. Cụ thể, xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của DN, cộng đồng về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí mê-tan; thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng đối với chất thải có thể tái chế, tái sử dụng. Thực hiện dán nhãn, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, phân bón hữu cơ, sản phẩm tái chế, tái sử dụng được sản xuất theo quy trình, công nghệ ít phát thải khí mê-tan để tăng giá trị, tính cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm. Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý các cấp về giảm phát thải khí mê-tan; tập huấn cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông về hiệu quả, lợi ích của các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ít phát thải khí mê-tan, phương pháp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí mê-tan. Thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ giảm phát thải khí mê-tan giữa các địa phương, lĩnh vực.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn vốn từ DN, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định. Khuyến khích huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính trong nước, quốc tế và khu vực tư nhân vào các hoạt động giảm phát thải khí mê-tan. Việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch áp dụng theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.

Tùng Anh