Print

Ngành BHXH Việt Nam: Quyết liệt chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thứ Tư, 10 /08/2022 13:02

Sáng 10/8, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số quý II/2022. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam.

Liên tục đổi mới, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thời gian qua, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm. Điều này được thể hiện rõ, khi ngành BHXH Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đối số. “Mới đây, Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021- vừa được Bộ TT-TT công bố, BHXH Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu Khối các cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thông tin.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, BHXH Việt Nam đã chịu khó nắm bắt những vấn đề mới, làm tốt, triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt, BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong tham gia, kết nối, chia sẻ CSDL với các bộ, ngành, trong đó nổi bật là việc triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ được Ngành thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hoàn thành trước thời hạn. “Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, các bộ, ngành đều chú trọng đến công tác chuyển đổi số, đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải tiếp tục nắm bắt kịp thời xu thế, liên tục đổi mới, quyết liệt thực hiện trong toàn hệ thống, mới có thể giữ vững và nâng cao vị thế của Ngành…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý.

Trên tinh thần đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, tại Hội nghị lần này, ngoài việc thông tin những kết quả đã đạt được, kết quả nổi bật trong 7 tháng đầu năm, các đại biểu cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp cụ thể cho những tháng còn lại của năm 2022. Trong đó, tập trung vào những dự án, đề án còn vướng mắc để bàn giải pháp tháo gỡ, giải quyết cơ bản các vướng mắc đó, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số của Ngành trong năm 2022.

Hội nghị Chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam

Báo cáo về kết quả công tác chuyển đổi số của Ngành 7 tháng đầu năm, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT- Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đối số ngành BHXH Việt Nam cho biết, ngày 8/8, Bộ TT-TT đã công bố kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số- DTI năm 2021 của các bộ, ngành, địa phương, trong đó BHXH Việt Nam tăng một bậc, vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Tính đến cuối tháng 7, đã có 16 đơn vị xây dựng được Đề án chuyển đổi số. Về cơ bản, Đề án của các đơn vị đáp ứng được yêu cầu, nội dung, có cơ sở pháp lý để đánh giá hiện trạng, nhiệm vụ, giải pháp và dự kiến sản phẩm đạt được…

Những kết quả nổi bật

Cũng theo ông Lê Nguyên Bồng, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, tính đến ngày 31/7, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 48.272.089 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 37.913.519 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Sau 5 tháng triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, tính đến 21/7, toàn quốc có 6.856 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD, chiếm khoảng 52% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc.

Ông Lê Nguyên Bồng báo cáo tại Hội nghị

BHXH Việt Nam đã xây dựng xong phần mềm và DVC, kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư để sử dụng dịch vụ “Xác thực thông tin hộ gia đình”, kết nối thành công với Nền tảng thanh toán quốc gia, đã cung cấp DVC “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Sau hơn một tuần triển khai thử nghiệm, đã có 67 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết.

BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để thống nhất quy trình, yêu cầu kỹ thuật, nhằm triển khai xây dựng phần mềm liên thông cho 2 nhóm TTHC liên thông: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí”. Đồng thời, đã ban hành Quyết định số 1433/QĐ-BHXH ngày 18/7 ban hành DVC trực tuyến “Chi trả trợ cấp thất nghiệp” để sẵn sàng triển khai tiếp nhận bản điện tử Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử khi ngành LĐ-TB&XH thực hiện chuyển bản điện tử Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sang hệ thống của BHXH Việt Nam.

Đối với nhiệm vụ rà soát, xác thực dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, tính đến ngày 31/7, tổng số trường hợp xác thực khi hiệu chỉnh hồ sơ cá nhân là 4.312.549 trường hợp, trong đó có 379.659 trường hợp không xác thực được với CSDL quốc gia về dân cư. Đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển CSDL quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, hoàn thành xây dựng dự thảo Quy định kỹ thuật về cấu trúc thông điệp dữ liệu bảo hiểm trao đổi với CSDL quốc gia về bảo hiểm, nhằm thống nhất và đồng bộ các thông điệp dữ liệu, chuẩn hóa các dịch vụ cung cấp dữ liệu được chia sẻ từ CSDL quốc gia về bảo hiểm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế định nghĩa “Nhóm thông tin về an sinh xã hội” và “Nhóm thông tin cơ bản về y tế”.

Về kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, BHXH Việt Nam tiếp nhận 128.327.972 bản ghi, trong đó đã đồng bộ và trả kết quả 80.847.215 bản ghi trùng khớp thông tin số CCCD/CMND hoặc mã số BHXH. Ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân. Tính đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã xác thực 48.272.089 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số CMND và CCCD) có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, đã cung cấp, chia sẻ trên 37.913.519 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Về triển khai ứng dụng VssID, tính đến ngày 31/7/2022, trên toàn quốc đã có 26.381.733 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT…

Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ được giao

Bên cạnh kết quả đạt được, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nhận định về tình hình thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt giai đoạn 2016-202, năm 2021 và năm 2022… Đơn cử: Cấu trúc thông điệp dữ liệu trên CSDL quốc gia về bảo hiểm; hệ thống tiếp nhận hoá đơn điện tử của Ngành; nâng cấp, mở rộng Hệ thống thông tin giám định BHYT; phần mềm quản lý tài sản tập trung; nâng cấp, mở rộng năng lực xử lý của Trung tâm Dữ liệu ngành BHXH Việt Nam; xây dựng Trung tâm Giám định và Điều hành thông minh; đánh giá an toàn thông tin mạng của Ngành; nâng cấp phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra và phần mềm quản lý dòng tiền…

Đại diện Vụ KH-TC góp ý kiến tại Hội nghị

Đại diện các vụ, ban nghiệp vụ cũng đã trình bày tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị; đề xuất giải pháp hoàn thành, ứng dụng các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số. Các Phó Tổng Giám đốc cũng gợi mở những thông tin, tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực phụ trách. Theo đó, cần rà soát các đầu mục công việc, làm rõ các nội hàm và cụ thể chi tiết, hoàn thiện hồ sơ… để xây dựng tài liệu, đề xuất kỹ thuật và thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.

Đánh giá cao kết quả đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số của Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, bên cạnh sự nỗ lực vượt bậc của Trung tâm CNTT, còn là công sức, cố gắng của các vụ, ban chuyên môn trong phối hợp thực hiện. “Đây là kết quả, thành tích chung của toàn Ngành…”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh. Trên cơ sở kết quả đạt được, Tổng Giám đốc yêu cầu toàn Ngành cần tiếp tục tuyên truyền, nêu bật những cố gắng, sự quyết liệt, kết quả đã đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số. Qua đó, thấy được sự quyết tâm của toàn hệ thống trong nỗ lực chuyển đổi số để phục vụ người dân, NLĐ ngày một tốt hơn.

Nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu "vì công việc chung, nhiệm vụ chung", Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu: “Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, các đơn vị tiếp tục triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao đúng tiến độ, thời gian đã quy định”.

Bích Thủy- Thanh Hằng