Print

Việt Nam chủ động nghiên cứu sản xuất thuốc trị bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Năm, 11 /08/2022 16:21

Ngày 10/8, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có Công văn số 7737/QLD-KD về việc tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu, sản xuất thuốc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Theo Cục Quản lý Dược, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 29/7/2022, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Tình hình bệnh đậu mùa khỉ ở người trên thế giới cũng đang có diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã bắt đầu tăng cường nghiên cứu các thuốc mới để có giải pháp hiệu quả hơn trong điều trị cho người bệnh mắc đậu mùa khỉ.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid là các thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng. Hiện tại, vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước. Để đẩy nhanh việc tiếp cận thuốc mới cho điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc nêu trên, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc. Ngoài ra, các đơn vị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc nêu trên và rà soát nhu cầu của các cơ sở KCB.

Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị có khó khăn, vướng mắc hoặc cần thêm thông tin đề nghị liên hệ Phòng Quản lý Kinh doanh Dược (Cục Quản lý Dược) để được hướng dẫn.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, hiện Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch đậu mùa khỉ.

Tình huống 1- chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Các BV kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn; đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo…

Tình huống 2- có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam: Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở…

Tình huống 3- dịch lây lan ra cộng đồng: Với tình huống này, sẽ mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, BV khác khi cần thiết. Đồng thời, sẽ phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển người bệnh…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; liên hệ với các tổ chức quốc tế và các đơn vị liên quan để chuẩn bị sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm.

Hà Hùng