Print

TP.HCM: Nghịch lý thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học

Thứ Sáu, 12 /08/2022 06:01

Số lượng học sinh cứ năm sau cao hơn năm trước, còn số lượng giáo viên thì “bất động”, nên mỗi năm lại thiếu nhiều hơn. Là trung tâm giáo dục của phía Nam, vậy mà TP.HCM đang thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật...

“Nói TP.HCM thiếu giáo viên thấy thiệt là nghịch lý, nhưng thực tế lại như vậy”- ông Hồ Tấn Minh- Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM “giãi bày” tại cuộc họp báo chiều 11/8, về tình hình kinh tế-xã hội và phòng chống dịch bệnh của địa phương hơn 10 triệu dân này.

Ông Hồ Tấn Minh- Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin tại họp báo

Theo ông Hồ Tấn Minh, TP.HCM được xem là trung tâm đào tạo tiếng Anh, Tin học lớn tính trên phạm vi cả nước. Song, lâu nay vẫn có tình trạng sinh viên sư phạm ngành tiếng Anh, Tin học không theo nghề gõ đầu trẻ, mà phát huy sở trường tại các đơn vị, DN. Vì vậy, so với sự gia tăng không ngừng của số lượng học sinh, năm nay lại thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học nghe qua thấy nghịch lý, nhưng lại không quá khó hiểu.

Còn với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật thì câu chuyện sâu xa hơn một chút. Theo đó, Âm nhạc và Mỹ thuật là những môn mới, nên thiếu giáo viên là lẽ thường. Ngoài ra, từ trước đến nay, các trường sư phạm cũng không “mặn mà” đào tạo những môn này do khó tuyển sinh. Trong khi đó, sinh viên các trường Âm nhạc và Mỹ thuật ở TP.HCM ra trường hầu hết tập trung chuyên môn hoạt động nghệ thuật. Đối với việc tham gia giảng dạy, họ vừa thiếu chuyên môn sư phạm, vừa thiếu sự ưu tiên trong lựa chọn thực hành sở học.

Vì vậy, trước mắt Sở GD-ĐT đã mời các nghệ sĩ, nghệ nhân (đang hoạt động nghệ thuật) tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm và đứng lớp. Còn về lâu dài sẽ “đặt hàng” các trường sư phạm trên địa bàn tổ chức tuyển sinh và đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Đối với giáo viên tiếng Anh và Tin học, Sở GD-ĐT cũng đã lên kế hoạch “đào tạo theo yêu cầu” đối với các trường sư phạm và nhắm tới các quận, huyện đang thiếu đội ngũ giáo viên này.

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, trong năm học mới 2022-2023, toàn địa bàn TP.HCM ước có hơn 1,63 triệu học sinh, tăng hơn 21.800 em so với năm học trước. Trong đó, khối trường công lập tăng hơn 15.200 học sinh, khối trường ngoài công lập tăng hơn 6.500 học sinh. Chia theo bậc học, thì khối mầm non tăng hơn 6.500 em, THCS tăng hơn 13.600 em, THPT tăng hơn 12.700 em, riêng bậc tiểu học giảm 11.184 em.

Liên quan tình trạng học sinh trên địa bàn luôn năm sau tăng cao hơn năm trước, ông Minh cho biết, nguyên nhân chính là do tăng dân số cơ học. Vấn đề này thường tập trung tại TP.Thủ Đức và quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn... do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng tăng dân số cơ học cao.

Được biết, trong năm học trước (2021-2022), số học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM là 343.894 em. Theo ông Hồ Tấn Minh, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học... Theo dự kiến, đến tháng 9 tới, TP.HCM sẽ phải tăng thêm 356 phòng học, trong đó, bậc mầm non tăng thêm 148 phòng, bậc tiểu học tăng thêm 105 phòng và bậc THCS tăng thêm 103 phòng.

Thanh Giang