Print

Chile: Đảo Phục sinh mở cửa trở lại sau thời gian ngừng hoạt động vì Covid-19

Thứ Sáu, 12 /08/2022 10:46

Đảo Phục sinh (Chile) đón nhóm khách du lịch đầu tiên sau khi đóng cửa biên giới hơn 2 năm do đại dịch Covid-19.

Đảo Phục sinh, hay Rapa Nui, nằm cách bờ biển Chile hơn 2.000 dặm (3.219 km). Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới, Đảo Phục sinh có gần 1.000 bức tượng đá khổng lồ (Moai, cao gần 10m, nặng hơn 70 tấn), có niên đại khoảng 6.000 năm, được người dân trên đảo tạc từ nhiều thế kỷ trước.

Moai nằm rải rác ở khắp nơi trên đảo, chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ bí, thách thức sự khám phá của khách du lịch. Sự hùng vĩ của Moai đã mang lại cho Đảo Phục sinh sự nổi tiếng và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Ông Pedro Edmunds, Thị trưởng Đảo Phục sinh cho biết: “Đảo Phục sinh là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Đảo đã không có bóng dáng khách du lịch từ tháng 3/2020. Đã đến lúc chúng tôi mở cửa hòn đảo, sau thời gian đóng cửa biên giới cách đây 868 ngày, do Covid-19. Chúng tôi đã cơ bản kiểm soát được Covid-19, người dân và du khách đều biết cách chăm sóc bản thân”.

Mặc dù vậy, Chile quy định du khách phải được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính không quá 24 giờ trước khi lên chuyến bay nội địa đến đảo. Khách du lịch trên các chuyến bay quốc tế đến đảo phải làm xét nghiệm kháng nguyên khi họ đến. Hãng hàng không LATAM cho biết, họ mở lại đường bay từ Santiago, Thủ đô Chile, đến Đảo Phục sinh khoảng 2 chuyến/tuần và “sẽ tăng dần tần suất căn cứ vào diễn biến của đại dịch Covid-19”.

Tên Phục sinh do nhà hàng hải Jacob Roggeveen, quốc tịch Hà Lan, tình cờ đi ngang qua hòn đảo biệt lập này đặt ra để kỷ niệm ngày ông đến đảo đúng dịp Lễ Phục sinh vào năm 1722. Tuy nhiên, người dân đảo vẫn thích gọi tên đảo là Rapa Nui, nghĩa là “hòn đảo xa vắng”. Từ hơn 100 người, ngày nay, Đảo Phục sinh đã có khoảng 3.000 người Rapa Nui, sinh sống bằng hoạt động du lịch. Nhận thức được thế mạnh và tiềm năng của mình, hậu duệ của các bộ tộc Rapa Nui không ngừng gìn giữ, phát triển các di sản văn hóa của họ thông qua phong tục tập quán, nghệ thuật điêu khắc, âm nhạc, ngành nghề thủ công, các điệu múa cổ...

Tùng Anh