Print

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp chuyên đề pháp luật

Thứ Hai, 15 /08/2022 11:09

Sáng 15/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban TVQH khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 15- 18/8.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến trong thời gian 4 ngày làm việc, Ủy ban TVQH sẽ xem xét 11 dự án Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết. Cụ thể, Ủy ban TVQH cho ý kiến về 5 dự án Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tư gồm: Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Đồng thời, Ủy ban TVQH cũng sẽ cho ý kiến về 3 dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ Tư gồm: dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trong đó, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nếu chất lượng tốt sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại một Kỳ họp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống rửa tiền. Riêng với dự án Luật Phòng thủ dân sự, đây là dự luật mới, lần đầu tiên được trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Cùng với đó, Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến và xem xét thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Đây là dự án Pháp lệnh rất quan trọng, thuộc thẩm quyền xem xét và quyết định của Ủy ban TVQH.

Đánh giá nội dung cần xem xét, thảo luận tại phiên họp chuyên đề lần này rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ tài liệu, tham gia họp đầy đủ. Ủy ban TVQH tập trung nghiên cứu, cho ý kiến sâu rộng về các vấn đề để Phiên họp đạt chất lượng cao nhất. Thành công của Phiên họp chuyên đề lần này là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng và sự thành công của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo đó, khoản 3 Điều 4 Luật này quy định “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban TVQH quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Như vậy Quốc hội đã giao Ủy ban TVQH nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đối với một số nội dung lớn của dự thảo Pháp lệnh, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, Điều 1 dự thảo Pháp lệnh quy định: “Pháp lệnh này quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. “Hoạt động tố tụng” theo Pháp lệnh này được hiểu “là hoạt động giải quyết các vụ án, vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và pháp luật về trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển” (khoản 1 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh)…

Về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về người có thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, vì vậy đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc về việc xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của các cơ quan này. Do vậy, để khắc phục vướng mắc của thực tiễn, bảo đảm mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng phải được xử lý nghiêm minh, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, dự thảo Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền của Công an nhân dân, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng.

Nguyệt Hà