Print

Bình Dương luôn dành quan tâm đặc biệt đối với chính sách BHXH, BHYT

Thứ Ba, 16 /08/2022 12:26

Ngày 16/8, Đoàn Giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội do ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trường đoàn tiếp tục có cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH giai đoạn 2016- 2021.

Làm việc với UBND tỉnh Bình Dương cùng Đoàn Giám sát còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Dương.

Luôn sát sao chỉ đạo

Ông Nguyễn Lộc Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, xác định BHXH, BHYT là hai chính sách giữ vai trò trụ cột trong hệ thống ASXH, UBND tỉnh luôn có chỉ đạo sát sao các sở ban ngành, các cấp chính quyền cơ sở triển khai có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. 

Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020 và Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 14/9/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025 cũng như các Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội hằng năm, HĐND đều đưa chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào chỉ tiêu về phát triển xã hội. Triển khai Nghị quyết số 28/NQ-HĐND, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2902/QĐ-UBND ngày 20/12/2021, trong đó có đề ra 4 chỉ tiêu thực hiện hằng năm về tỷ lệ dân số tham gia BHYT; số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp. Giai đoạn 2016- 2021, UBND tỉnh đã ban hành 86 văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại địa Phương, trong đó riêng lĩnh vực về BHXH là 29 văn bản.

Nhìn chung, các văn bản được ban hành kịp thời, tập trung chỉ đạo các lĩnh vực công tác trọng tâm, cấp bách trong thực hiện chính sách BHXH như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; đưa chỉ tiêu số người tham gia BHXH, BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm và hằng năm; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT cho UBND cấp huyện; phối hợp thực hiện công tác thu, thu nợ và thanh kiểm tra nhằm tăng thu, giảm nợ đọng; triển khai giao dịch qua bưu điện, điện tử; đẩy mạnh chi trả chế độ qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ ATM); triển khai rà soát, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ quản lý…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh thực hiện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể ký kết và triển khai 182 Chương trình, Quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo BHXH tỉnh bám sát, xây dựng các giải pháp thu và khai thác, phát triển người tham gia BHXH theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam đảm bảo hiệu quả, phù hợp với địa phương trong từng thời kỳ; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã và đề xuất chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Chính vì vậy kết quả là số thu BHXH, BHYT của tỉnh nhiều năm đều đạt và vượt kế hoạch được giao, thu BHXH của tỉnh đứng thứ 3, chiếm khoảng 6% số thu cả nước. Từ năm 2019 trở lại đây, tốc độ gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm lớn. Cụ thể: năm 2019 có 8.712 người tham gia, tăng 177,19% so với năm 2018 (tăng 5.569 người); năm 2020 có 13.090 người tham gia, tăng 50,25% so với năm 2019 (tăng 4.378 người).

Sớm vực dậy thị trường lao động

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có gần 19.800 đơn vị, DN với 927.837 lao động tham gia BHXH bắt buộc (trong đó tỷ lệ lao động thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 62,5%, DN khu vực tư nhân trong nước là 31,2%, DN Nhà nước và Hành chính sự nghiệp, khối khác là 6,3%). Tình hình lao động tại Bình Dương hằng năm dịch chuyển rất lớn (khoảng 60% tổng số đối tượng đang tham gia BHXH do khoảng 80% lực lượng lao động là người ngoài tỉnh), nhiều DN thuộc các ngành nghề: dệt, may, giày da, chế biến gỗ…với số đông là lao động phổ thông.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại buổi giám sát

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cảm ơn Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã luôn sát sao, dành quan tâm đặc biệt đến việc triển khai chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn, tạo niềm tin của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT: “Muốn phát triển được kinh tế xã hội, thực hiện chính sách ASXH bền vững thì phải thu hút được lao động. Đây là vấn đề được tỉnh Bình Dương thực hiện rất tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện số lao động tham gia BHXH bắt buộc ở Bình Dương (trên 900.000 lao động) so với năm 2020 (trên 1 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc), như vậy chúng ta đang “mất đi” khoảng 100.000 lao động. 

Về vấn đề này, ông Trịnh Đức Tài- Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, việc thiếu hụt, giảm số lượng lao động tham gia BHXH, BHYT thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương chủ yếu là do dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN và đời sống của NLĐ. Nắm bắt được khó khăn này, tỉnh đang tiến hành rà soát, cơ chế chính sách tạo thêm ưu đãi thu hút DN và NLĐ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có kiến nghị cơ quan cấp trên cần có quy định phù hợp với đặc thù của tỉnh, bởi Bình Dương là nơi có rất nhiều KCN- KCX.

Về việc hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết: “Giai đoạn 2016- 2021, ngân sách T.Ư hỗ trợ cho 36.658 người, với tiền là trên 5,1 tỷ đồng (việc hỗ trợ tiền này được thực hiện từ ngày 1/1/2018 theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, Bình Dương chưa có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách địa phương. Theo bà Lý, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, những kết quả và sự nỗ lực của các cấp chính quyền ở tỉnh Bình Dương trong triển khai chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2016- 2021 là rất đáng trân trọng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó đoàn cũng ghi nhận những khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH mà tỉnh Bình Dương đang phải đối mặt như: 80% lực lượng lao động là ngoại tỉnh, tình trạng dịch chuyển lao động chiếm 60% hằng năm, gia tăng nợ BHXH cũng như nhận BHXH một lần… Tất cả những khó khăn này của BHXH tỉnh Bình Dương Đoàn sẽ ghi nhận và báo cáo, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội trong các cuộc họp tới đây. Những đặc trưng khó khăn của tỉnh Bình Dương trong việc triển khai chính sách BHXH, BHYT là cơ sở để Đoàn Giám sát có thể đóng góp ý kiến cho việc sửa Luật BHXH, BHYT trong thời gian tới.

Lê Văn