Print

Truyền thông có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT

Thứ Ba, 16 /08/2022 12:56

Ngày 16-17/8, tại Thừa Thiên Huế, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 khu vực phía Nam.

Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; Giám đốc BHXH một số địa phương, Phó Giám đốc phụ trách công tác truyền thông` cùng cán bộ làm công tác thu, truyền thông tại 33 tỉnh, thành phía Nam (từ Thừa Thiên Huế trở vào).

Vai trò quan trọng trong vận động BHXH, BHYT

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, ngành BHXH Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Năm 2017, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về truyền thông, trong đó xác định mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT, qua đó công tác truyền thông về BHXH, BHYT đã có nhiều đổi mới.

“Chính sách BHXH, BHYT phát triển bền vững có đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông. Trong năm 2021 cũng như 7 tháng đầu năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức 163.000 hội nghị truyền thông- trung bình 4,5 hội nghị/ngày/đơn vị BHXH; 1,4 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thông cơ sở cũng như rất nhiều sản phẩm truyền thông khác... 7 tháng đầu năm đã tổ chức 500 cuộc ra quân tuyên truyền về BHXH, BHYT, trong đó có 2 lễ ra quân lớn liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT- đã góp phần tích cực vào công tác của Ngành”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, qua đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 cũng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới truyền thông, công tác truyền thông của ngành BHXH Việt Nam tập trung về giá trị nhân văn và lợi ích của chính sách (bao gồm lợi ích của người dân, gia đình và xã hội) khi tham gia BHXH. Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh đa dạng hoá hình thức truyền thông, đặc biệt trong 2 năm dịch Covid-19 đã tích cực chuyển sang hình thức truyền thông gián tiếp, nên năm 2021 toàn Ngành đã hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, chúng ta đã chuyển sang an toàn và thích ứng mới với dịch bệnh nên công tác truyền thông cũng cần đổi mới; thường xuyên chủ động, kết hợp hài hoà và có trọng tâm, trọng điểm.

Cần phân loại từng nhóm đối tượng để tuyên truyền

Tại Hội nghị, các giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tập trung trao đổi, truyền đạt 5 chuyên đề như: Kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; cách thức nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, dân vận trong truyền thông trực tiếp theo nhóm nhỏ đến từng người dân; kỹ năng truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội; cách thức tổ chức hội nghị trực tuyến (livestream) truyền thông chính sách BHXH, BHYT; kỹ năng biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông hiện đại (Infographic, ảnh động).

Trao đổi về chuyên đề Kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, TS.Vũ Hoài Phương- Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, trong mỗi cuộc tuyên truyền, trước tiên tuyên truyền viên cần xác định được nội dung chính của vấn đề, lựa chọn phương pháp, phương tiện tác động đến vấn đề cần tuyên truyền. Cùng với đó, nghiên cứu đặc điểm về mặt xã hội, nhân khẩu (thành phần xã hội, giai cấp nghề nghiệp, học vấn, giới tính... của đối tượng); nghiên cứu đặc điểm về tư tưởng và tâm lý xã hội (quan điểm, chính kiến, tâm trạng...); nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu thông tin, thái độ của người nghe đối với nguồn thông tin. Đồng thời, trong nội dung bài tuyên truyền cũng phải đảm bảo tính chính xác, thiết thực, mang đến cho người nghe những thông tin mới.

Cũng theo TS.Vũ Hoài Phương, trong tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH, BHYT, mỗi tuyên truyền viên cần nghiên cứu rõ đối tượng của mình là ai, bởi biết trước từng đối tượng cũng như nhóm đối tượng, thì công tác chuẩn bị sẽ được kỹ càng hơn, mang đến nhiều thuận lợi cho người nghe; đôi khi tuyên truyền nhóm nhỏ càng tìm hiểu kỹ đối tượng, kỹ bao nhiêu thì hiệu quả sẽ tốt bấy nhiêu.

“Đặc biệt, làm truyền thông không phải một buổi sẽ thành công, mà theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”, phải tác động đến nhiều đối tượng xung quanh chủ thể. Đơn cử, tuyên truyền về chính sách BHYT thì “nhắm” đến những gia đình chưa có thẻ BHYT mà người thân vừa bị bệnh phải chi phí số tiền lớn cho công tác KCB, họ phải lo lắng khi chi số tiền cho chữa trị..., họ hiểu được cảm giác không tham gia BHYT và không được quỹ BHYT bảo vệ ra sao... Từ đó, họ cũng là tuyên truyền viên “sống” cho mình. Còn khi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, cần nói về lợi ích dài hạn, sau đó phân tích thật kỹ lợi ích ngắn hạn; đối với nhóm dân trí cao cần phân tích lợi ích dài hạn; tính ưu việt của chính sách BHXH với bảo hiểm nhân thọ. Lợi thế hiện nay của chúng ta là sau Covid-19, người dân đã rất tin tưởng vào chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước mà BHXH Việt Nam đang thực hiện”- TS.Vũ Hoài Phương chia sẻ.

V.Thu