Print

Các tổ chức quốc tế chung tay vì bữa ăn học đường của học sinh Tây Phi

Thứ Ba, 16 /08/2022 16:28

Đại dịch Covid-19 khiến trường học trên khắp Tây Phi phải đóng cửa. Việc đóng cửa trường học trên diện rộng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục, cũng như đời sống của trẻ em nghèo Tây Phi.

Không chỉ ngưng trệ nhất định về trình độ học vấn, mà cơ hội nhận được bữa ăn học đường miễn phí của trẻ em Tây Phi cũng gặp nhiều trở ngại. Khi các trường học dần dần mở cửa trở lại khi các ca nhiễm Covid-19 giảm xuống, thì bữa ăn học đường trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức trong và ngoài khu vực.

Bữa ăn học đường (School Feeding) là bữa ăn được cung cấp miễn phí tại trường học cho trẻ em. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), bữa ăn học đường “được cung cấp thường xuyên, xem như một biện pháp hỗ trợ xã hội cho các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương, kết quả hướng đến là cải thiện giáo dục, thông qua việc góp phần tăng tỷ lệ đi học, giảm tỷ lệ nghỉ học và nâng cao bình đẳng giới”. Được cung cấp bữa ăn học đường đủ chất dinh dưỡng, trẻ em sẽ tăng cường khả năng tập trung và học hỏi. Ngoài ra, theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), “cứ 1 USD đầu tư vào bữa ăn trường học, sẽ thu lại 9 USD lợi tức đầu tư”. Cuối cùng, việc cho trẻ ăn đầy đủ ở trường sẽ tạo động lực khuyến khích các gia đình nghèo cho con gái đến trường thay vì cho nghỉ học hoặc kết hôn sớm.

Do đó, các sáng kiến hỗ trợ bữa ăn học đường ở Tây Phi là rất quan trọng vì có tác dụng nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục và tăng cường sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo. Nhiều năm qua, các tổ chức quốc tế đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng của các Chính phủ để tăng cường tài trợ và triển khai hiệu quả bữa ăn học đường ở Tây Phi. Trong đó, Sierra Leone, Senegal và Liberia được ghi nhận là đã hưởng lợi từ sự trợ giúp của nước ngoài.

Chương trình Home-Grown School Feeding ở Sierra Leone

Sierra Leone là một quốc gia Tây Phi đang phát triển, giáp với Guinea và Liberia. Theo WFP, vào năm 2022, hơn 65% người dân sống dưới 1,25 USD/ngày. Khi giá thực phẩm tăng cao trên toàn quốc, bữa ăn học đường trở nên rất cần thiết cho trẻ em và hộ gia đình. WFP thông tin, vào năm 2021, Chính phủ Sierra Leone đưa ra một sáng kiến nhằm chuyển đổi quốc gia sang mô hình Home-Grown School Feeding- mô hình trồng trọt tại gia cho phép hộ gia đình có thể trực tiếp cung cấp sản phẩm tươi sống cho trường học. Đáng chú ý, WFP đang hỗ trợ Chính phủ Sierra Leone khởi động một chương trình thí điểm tương tự ở Thị trấn Tawuya. Cô Adama, một cư dân Tawuya và là mẹ của 7 đứa trẻ, cho biết: “WFP đã tạo ra phương tiện để phụ nữ chúng tôi có thu nhập thường xuyên. Nhìn chung, sự hỗ trợ của họ đã giúp nhiều hộ gia đình Tawuya đối phó và vượt qua tình trạng mất an ninh lương thực”.

Chương trình McGovern-Dole ở Senegal

Theo thống kê, hiện 751.000 người dân Sengalese đang trong tình trạng mất an ninh lương thực và 17% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Để đối phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ở Senegal, Counterpart International- một tổ chức tập trung vào việc thiết lập mối quan hệ lâu dài với các cộng đồng có nguy cơ, đã đưa ra thông báo vào tháng 10/2021 sẽ triển khai Chương trình McGovern-Dole trị giá 25 triệu USD tại quốc gia này. Chương trình là một sáng kiến của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhằm hạn chế nạn đói ở trẻ em bằng cách cung cấp thực phẩm và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển. Qua đó, giúp tăng khả năng tiếp cận với giáo dục, y tế sức khỏe cho cộng đồng. “Thông qua Chương trình, các hộ gia đình nghèo sẽ được tiếp sức để đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực, trẻ em được đảm bảo dinh dưỡng bằng bữa ăn học đường…” – Ông Brian Dotson, đại diện Counterpart International, cho biết.

Chương trình Save the Children’s $25 Million Project ở Liberia

Theo Chỉ số Đói nghèo toàn cầu năm 2021, Liberia đứng thứ 110 trong số 116 quốc gia. Trong nỗ lực cải thiện đời sống cho trẻ em nghèo, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) đã khởi động Chương trình Save the Children’s $25 Million Project, trị giá 25 triệu USD, từ ngày 2/6/2022. Khoản hỗ trợ này sẽ giúp Chính phủ Liberia thực hiện Dự án Trao quyền cho Liberia thông qua việc học tập, đọc sách và chế độ dinh dưỡng (LEARN). Mặc dù đây là một chương trình được thực hiện bởi cả chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, song phần lớn kinh phí của được cung cấp thông qua các nhà tài trợ. Ước tính, LEARN đã phân phối hơn 10 triệu bữa ăn học đường cho hơn 45.000 trẻ em Liberia.

Ba chương trình trên đã chứng minh, bữa ăn học đường ở Tây Phi là không thể thiếu trong tiến trình phát triển của trẻ em. Song song với các tổ chức quốc tế, các Chính phủ Tây Phi cũng có nhiều hành động kịp thời để tăng cường chăm lo dinh dưỡng học sinh. Theo Brookings, 27 quốc gia châu Phi chấp thuận sáng kiến Liên minh Bữa ăn học đường của LHQ (United Nations School Meals Coalition) nhằm duy trì bữa ăn quan trọng này cho học sinh. Bên cạnh đó, Tổng thống Patrice Talon của Benin và Tổng thống Macky Sall của Senegal quyết định phân bổ thêm ngân sách cho các chương trình bữa ăn học đường tương ứng của quốc gia họ. Liên minh Châu Phi (AU), tổ chức cao nhất của 55 quốc gia châu Phi đã bỏ phiếu tán thành việc cung cấp bữa ăn học đường cho trẻ em và ghi nhận năm 2022 là Năm Dinh dưỡng.

Tùng Anh (Theo AU)