Print

Đặt mục tiêu hỗ trợ người lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài

Thứ Tư, 17 /08/2022 11:22

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đưa 56.863 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 63,2% mục tiêu kế hoạch năm, trong đó có 21.238 lao động nữ.

Những năm qua, do dịch bệnh Covid-19, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc. Đến nay, các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi để thích ứng với việc phục hồi, phát triển kinh tế. Một trong những chính sách đó là mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Cụ thể, thị trường châu Âu mở lại từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn 1 năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS), Đài Loan mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021), Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn 1 năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021) và một số thị trường lao động khác.

Mục tiêu được đề ra cho năm 2022 của Việt Nam là đưa 90.000 lao động Việt Nam đi nước ngoài. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 7 tháng đầu năm 2022, đã có 56.863 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 63,2% mục tiêu kế hoạch năm. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất trong 7 tháng qua (chiếm đến 93% tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài). Trong nước, thị trường lao động đang có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt được mục tiêu 90.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu trong năm nay, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp. Gần đây nhất, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Theo đó, từ ngày 1/8/2022, đối với NLĐ là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề theo chi phí thực tế (tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg); hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) mức 600.000 đồng/người; hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với NLĐ cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên, mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với NLĐ cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên; hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, phí cung cấp lý lịch tư pháp, lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của quốc gia tiếp nhận lao động, chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ KCB của cơ sở KCB mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người).

Đối với lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 70% theo chi phí thực tế và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ đối với các đối tượng nêu trên. Ngoài ra, đối với lao động khác đang sinh sống tại huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo, hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 50% theo chi phí thực tế.

Tùng Anh