Print

Nan giải ô nhiễm nhựa ở quốc đảo Maldives

Thứ Tư, 24 /08/2022 10:31

Quốc đảo Maldives nổi tiếng với đại dương trong xanh và những rặng san hô rực rỡ. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nhựa tràn lan đang đe dọa môi trường biển của quốc đảo này. Hiệp hội Hợp tác hàng thủ công truyền thống Maldives (MACCS) do một nhóm 10 phụ nữ thành lập đang nỗ lực để hiệu quả giảm ô nhiễm nhựa.

Maldives là một quốc gia bao gồm 185 hòn đảo, bao quanh là đại dương. Các bãi biển và đại dương có thể nói là “xương sống” của ngành du lịch quốc đảo này. Du lịch là động lực chính của tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận kinh doanh ở Maldives, do đó, sự thịnh vượng của ngành du lịch có liên quan trực tiếp đến sự thịnh vượng của nền kinh tế Maldives. Ngoài việc đóng vai trò quan trọng đối với sự nổi tiếng của du lịch Maldives, đại dương còn cung cấp năng lượng cho ngành đánh bắt cá. Trong số các hộ gia đình nghèo ở Maldives, 26% kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và trên toàn quốc, 11% người dân tìm được việc làm nhờ nghề đánh cá.

Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng ở Maldives, đang đe dọa cả ngành du lịch lẫn đánh bắt cá. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, Maldives thải ra 365.000 tấn rác thải rắn mỗi năm, phần lớn do hoạt động nghỉ dưỡng tạo ra. Hậu quả của ô nhiễm nhựa là nhựa trôi dạt vào các bãi biển ở Maldives, đồng thời, phá hủy các rạn san hô. Khi ô nhiễm nhựa hủy hoại các bãi biển và rạn san hô của Maldives, sẽ có nguy cơ làm tê liệt hai trong số các ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nền kinh tế Maldives.

Rác thải nhựa cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân và du khách nước ngoài. Maldives hiện thiếu nguồn lực để giải quyết khối lượng rác thải khổng lồ, người dân chỉ biết thiêu đốt hoặc đổ ra biển; khi nhựa cháy, thải ra khí độc và chất gây ung thư, đe dọa sức khỏe người dân và du khách. Năm 2011, Hiệp hội Hợp tác hàng thủ công truyền thống Maldives (MACCS) được thành lập với mục đích ban đầu là bảo tồn các sản phẩm thủ công truyền thống và bảo vệ ngành nghề thủ công truyền thống khỏi sự lấn át của hàng nhái, hàng rẻ tiền. Một trong những dự án đầu tiên của MACCS là hồi sinh những vùng đầm lầy nơi cỏ sậy mọc- cỏ này được sử dụng để dệt chiếu truyền thống. Nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa bảo tồn các sản phẩm thủ công truyền thống với môi trường của quốc đảo, MACCS quyết định mở rộng trọng tâm hoạt động sang bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên của Maldives, cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật của quốc đảo.

Năm 2021, MACCS đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác của Maldives để nâng cao tuyên truyền cho các hộ gia đình về phân loại rác thải và giảm thải rác thải. Là một phần của dự án, MACCS đã làm việc với cư dân trên 20 hòn đảo để cải thiện các phương pháp quản lý rác thải của và ngăn chặn ô nhiễm nhựa ở đại dương.

Để giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm nhựa ở Maldives, MACCS đã và đang nỗ lực giảm việc sử dụng túi nilon đựng hàng tạp hóa. Với sự hỗ trợ từ UNDP, MACCS đã hoàn thành dự án thí điểm vào tháng 6/2022. Đối với dự án thí điểm, những người tham gia sử dụng 1 loại túi đặc biệt có gắn chip và quét mỗi lần họ sử dụng túi. Khi người tham gia quét con chip, họ sẽ kiếm được số điểm mà họ có thể tiết kiệm được để nhận phần thưởng nhằm khuyến khích việc sử dụng loại túi có thể tái sử dụng. Dự án thí điểm bắt đầu với 500 túi, nhưng MACCS hy vọng sẽ mở rộng trong tương lai và nỗ lực hơn nữa để giảm ô nhiễm nhựa ở Maldives.

Tùng Anh (Theo UNDP)