Print

Qatar: Lao động nhập cư và World Cup 2022

Thứ Sáu, 26 /08/2022 12:18

Sau khi được FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2022, Qatar dành hơn 200 tỷ USD chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Quốc gia này tiến hành xây dựng 1 sân bay mới, 7 sân vận động, mở rộng các tuyến tàu điện ngầm, nâng cấp hệ thống đường xá… để dự kiến phục vụ hơn 1 triệu khách du lịch dự kiến tham dự các trận đấu.

Tuy nhiên, thế giới mới chỉ ghi nhận World Cup 2022 là một siêu dự án với kinh phí khổng lồ, song chưa nhiều người nhận ra tầm quan trọng của lực lượng lao động nhập cư ở Qatar- những người chịu trách nhiệm chính để triển khai siêu dự án này.

Lao động nhập cư ở Qatar

Hiện đang có khoảng 30.000 lao động nhập cư đảm nhận nhiệm vụ xây dựng 7 sân vận động, hầu hết đến từ châu Á và châu Phi, để tìm kiếm cơ hội nâng cao thu nhập. Sau khi các sân vận động hoàn thành, họ vẫn tham gia các hoạt động dịch vụ hàng ngày và hoạt động đón tiếp các đội tuyển, khách mời, khán giả tham gia World Cup. Ước tính nguồn thu từ dịch vụ của World Cup là khoảng 17 tỷ USD, việc này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chăm chỉ, thậm chí hy sinh của lao động nhập cư ở Qatar.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International, AI), lao động nhập cư ở Qatar đối diện với nhiều nguy cơ, nhất là tai nạn lao động. Có một bộ phận lao động nhập cư đang mang nợ vì để sang Qatar làm việc, họ phải chi trả 1 khoản phí tuyển dụng bất hợp pháp. Ví dụ, khoảng 1/3 lực lượng lao động nhập cư của Qatar, trong đó có lao động nhập cư Nepal và Bangladesh, chịu phí tuyển dụng điển hình lên tới khoảng 4.000 USD/người- một khoản nợ mà lao động nhập cư mất tối thiểu 12 tháng thu nhập mới có thể trả hết. Một thực tế khác là hàng nghìn lao động nhập cư trong cảnh bị trả lương thấp hoặc không được trả lương trong nhiều tháng, đôi khi nhiều năm. Vào năm 2019, hàng trăm lao động nhập cư ở Qatar đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc nợ lương và điều kiện làm việc tồi tệ.

Hệ thống lao động Kafala

Trước đây, Qatar áp dụng hệ thống lao động Kafala, trong đó, các công ty, người SDLĐ có trách nhiệm hỗ trợ lao động nhập cư trong việc cung cấp nhà ở trong ký túc xá, cũng như trang trải các chi phí để họ có thể ra nước ngoài làm việc. Về phía lao động nhập cư, họ có sự ràng buộc với người SDLĐ hỗ trợ họ; không thể bỏ việc, thay đổi người SDLĐ hoặc rời khỏi quốc gia sở tại mà không được sự cho phép của người SDLĐ; lao động nhập cư không được tham gia Công đoàn.

Tuy nhiên, vào năm 2017, Qatar ký 1 hiệp ước với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cam kết sẽ cải cách pháp luật lao động về lao động nhập cư. Qatar đã thực hiện đúng lời hứa đó bằng việc thông qua một số đạo luật, ví dụ năm 2018, chấm dứt quy định lao động nhập cư phải được người SDLĐ cho phép mới được rời Qatar và năm 2020, cho phép lao động nhập cư được thay đổi công việc mà không cần sự đồng ý của người SDLĐ, đồng thời, được quyền đưa ra mức lương tối thiểu. Tháng 3/2018, Qatar thành lập Ủy ban Giải quyết Tranh chấp Lao động để đảm bảo quyền lợi của lao động nhập cư, cam kết họ sẽ nhận được phán quyết từ Tòa án trong vòng 6 tuần trong trường hợp rơi vào kiện tụng. Ngoài ra, thành lập 1 quỹ hỗ trợ và bảo hiểm cho lao động nhập cư, giành cho lao động nhập cư bị nợ lương trong thời gian dài.

“Câu chuyện của Bijoy”

Mặc dù Qatar đã có nhiều cải cách, song vẫn còn nhiều bất cập trong pháp luật lao động với lao động nhập cư. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, “câu chuyện của Bijoy” tiêu biểu cho thân phận của một bộ phận lao động nhập cư khốn khổ ở Qatar. Bijoy là một lao động nhập cư đến từ Ấn Độ, đã làm việc 3 năm tại một công ty xây dựng nhưng bị nợ hơn 3.500 USD tiền lương. Anh phải đợi 3 tháng mới được cơ quan chức năng thụ lý vụ việc, sống trong điều kiện rất tồi tệ, gần như vô gia cư và cạn kiệt tiền bạc. Cuối cùng, sau 7 tháng chờ đợi trong vô vọng, Bijoy chỉ nhận được khoản đền bù là 275 USD và tiền vé máy bay 1 chiều trở về Ấn Độ. Những câu chuyện tương tự như Bijoy ở Qatar, thật không may, là khá phổ biến.

Ngày khai mạc World Cup 2022 (21/11/2022) sắp đến, sự phấn khích của khán giả toàn thế giới đang dâng cao. Tổ chức Ân xá Quốc tế đang vận động FIFA và Chính phủ Qatar hoàn lại phí tuyển dụng và bồi thường cho các trường hợp lao động nhập cư bị nợ lương trước “ngày hội bóng đá thế giới” diễn ra. Cụ thể, Tổ chức Ân xá Quốc tế khuyến nghị FIFA, có thể dành 400 triệu USD trong số doanh thu dự kiến, để hỗ trợ đối tượng lao động nhập cư yếm thế.

Tùng Anh (Theo FIFA)