Print

Umzanyana- “Cứu cánh” cho các bà mẹ tiểu thương nghèo Nam Phi

Thứ Sáu, 02 /09/2022 16:57

Để hỗ trợ các bà mẹ tiểu thương nghèo, Tổ chức phi chính phủ Asiye eTafuleni đưa ra sáng kiến Umzanyana. Umzanyana theo tiếng địa phương có nghĩa là “dây rốn”, đây là một “chiếc hộp” được thiết kế đặc biệt để các bà mẹ vừa hoạt động kinh doanh, vừa chăm sóc con cái.

Ở trung tâm Durban (Nam Phi), có rất nhiều quầy hàng/kios ngoài trời, tọa trên vỉa hè hay không gian công cộng. Tiểu thương ở đây buôn bán, phục vụ người dân địa phương và du khách nước ngoài, từ đồ ăn vặt, món ăn địa phương, đồ lưu niệm… và một số phương thuốc truyền thống. Đáng chú ý, hơn một nửa trong số gần 25.000 tiểu thương khu vực này là phụ nữ, rất nhiều người trong số họ phải mang con nhỏ đi cùng. Để hỗ trợ các bà mẹ tiểu thương, Tổ chức phi chính phủ Asiye eTafuleni đưa ra sáng kiến Umzanyana. Umzanyana theo tiếng địa phương có nghĩa là “dây rốn”, đây là một “chiếc hộp” được thiết kế đặc biệt để các bà mẹ vừa hoạt động kinh doanh, vừa chăm sóc con cái.

Phụ nữ tiểu thương là lao động tự do, thuộc khu vực không chính thức, họ không được nghỉ thai sản và phải mang theo con nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh, cùng đi làm. Môi trường ô nhiễm, đông đúc người qua lại, điều kiện làm việc thô sơ (bếp lửa, đồ điện thiếu an toàn, nắng nóng mùa hè…)… và tiếng ồn làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ em, thậm chí các bà mẹ không thể cho con bú đúng cữ. Một số bà mẹ đành đặt con vào các thùng carton tự chế, để bên cạnh quầy hàng – đây chính là cơ sở để Tổ chức phi chính phủ Asiye eTafuleni đưa ra sáng kiến Umzanyana để giảm bớt những khó khăn mà các bà mẹ tiểu thương nghèo phải đối mặt.
Umzanyana được thiết kế như một “chiếc hộp” đa năng, thường làm bằng gỗ hoặc kim loại, có thể chuyển đổi đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng. Umzanyana có thể biến đổi thành mặt bàn, giường ngủ, phòng thay đồ hoặc cũi trẻ em. Phụ kiện đi theo bao gồm gối, đệm, khăn trải giường, chăn chiếu… đảm bảo bóng râm, sự riêng tư, kín đáo, giảm tiếng ồn để trẻ em có thể nghỉ ngơi, trong khi các bà mẹ vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh.

Sáng kiến này tưởng chừng như rất bình thường, song tạo ra sự khác biệt lớn đối với cộng đồng nghèo khó, đặc biệt là trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống bà mẹ và trẻ em Nam Phi. Một mặt, các bà mẹ tiểu thương nghèo khó duy trì được công việc kinh doanh, giữ ổn định thu nhập; mặt khác, vẫn có thể đồng hành với sự phát triển của con cái. Ở Nam Phi, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội như Asiye eTafuleni đã và đang nỗ lực phục vụ cộng đồng, hướng đến việc cải thiện cuộc sống của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em nghèo.

Tùng Anh (Theo South Africa News)