Print

Những thay đổi về dân số toàn cầu ảnh hưởng đến ASXH các quốc gia nghèo

Thứ Ba, 06 /09/2022 16:36

Trước đây, các chuyên gia đưa ra dự báo, dân số toàn cầu sẽ đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030 và gần 10 tỷ người vào năm 2080.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại đáng kể do mức sinh những năm gần đây đã thấp hơn.

Cụ thể, dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1950, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến dân số thế giới tăng chậm lại. Nhưng LHQ lại đưa ra cảnh báo, dân số toàn cầu sẽ tập trung tăng ở 8 quốc gia trong vòng 30 năm tới, là Ai Cập, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Ấn Độ, Pakistan, Cộng hòa Tanzania và Philippines. Sự gia tăng dân số tập trung ở một số quốc gia có thể làm cho việc xóa đói giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng trở nên rất khó khăn.

Một số xu hướng thay đổi lớn trong dân số toàn cầu

Ở một số khu vực trên thế giới, chủ yếu là tại các quốc gia phát triển, tốc độ tăng dân số vẫn giữ ổn định, tuổi thọ ngày càng tăng và sức khỏe nói chung đang được cải thiện. LHQ ước tính, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu sẽ vào khoảng 77,2 tuổi vào năm 2050.

Từ năm 1950 đến năm 2019, dân số toàn cầu tăng từ 1% đến 2% hàng năm và con số đó đã giảm đáng kể xuống còn 0,1%.

Sự gia tăng dân số chậm lại này đang tạo cơ hội cho các quốc gia phát triển mở rộng kinh tế, vì dân số trong độ tuổi lao động (25-64 tuổi) đang tăng nhanh hơn các quốc gia khác.

Một số quốc gia đang trải qua làn sóng di cư ồ ạt do điều kiện đời sống chưa phát triển. Nepal, Philippines và Bangladesh chứng kiến “dòng chảy” xuất khẩu lao động do nhu cầu lao động nhập cư từ các quốc gia phát triển tăng. Syria, Myanmar và Venezuela trải qua sự sụt giảm dân số do bạo lực và bất ổn chính trị.

Sự tập trung dân số ở các quốc gia đang phát triển

Theo LHQ, Ấn Độ có thể là quốc gia đông dân nhất vào năm 2027. Quốc gia này cùng với Ai Cập, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Ấn Độ, Pakistan, Cộng hòa Thống nhất Tanzania và Philippines sẽ chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu.

Châu Phi cận Sahara là một trong những khu vực duy nhất có thể có tốc độ tăng dân số ổn định và mạnh mẽ trong phần còn lại của thế kỷ. Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính rằng trong vòng 80 năm tới, dân số của khu vực có thể tăng gấp 3 lần. Nếu các quốc gia nhỏ, thu nhập thấp có dân số cao, thì việc phân bổ các nguồn lực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ lương thực có thể vô cùng khó khăn; đó là còn chưa kể đến việc không có đủ tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng việc dân số đang tăng nhanh.

Và cuộc chiến chống lại đói nghèo

Nếu dân số của các quốc gia có thu nhập thấp và đang phát triển tiếp tục tăng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng nói chung đang chậm lại, thì cuộc chiến chống đói nghèo có thể trở nên khó khăn hơn nhiều, do việc phân bổ nguồn lực giảm nghèo trên toàn cầu bị chậm lại. LHQ khuyến khích các quốc gia đang phát triển cần tận dụng nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư chăm sóc bà mẹ, trẻ em tốt hơn, từ đó gián tiếp giúp hộ gia đình có thể hạn chế đói nghèo giữa các thế hệ. Có thể kể đến một số sáng kiến, dự án như phân phối vắc-xin công bằng, phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. LHQ cũng theo dõi chặt chẽ 8 quốc gia có nguy cơ bùng nổ dân số để có được sự hỗ trợ cần thiết.

Mặc dù tốc độ tăng dân số chậm lại, dẫn đến sự cải thiện chung về sức khỏe, giáo dục và khí hậu, song những thay đổi đáng kể trong dân số toàn cầu vẫn có thể tác động tiêu cực đến các quốc gia thu nhập thấp do cạn kiệt tài nguyên. Điều quan trọng nhất mà các quốc gia phát triển, tổ chức quốc tế có thể làm trong bối cảnh dân số toàn cầu thay đổi là quan tâm đến kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là bà mẹ, trẻ em; đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia đang phát triển.

Tùng Anh (Theo LHQ)