Print

Trung Quốc: 40 năm góp phần chống đói nghèo bằng nâng cao trình độ học vấn cho trẻ em gái

Thứ Tư, 07 /09/2022 13:09

Trong những năm qua, "Hiệu trưởng của những điều kỳ diệu" Trương Quế Mai đã hỗ trợ hơn 1.800 nữ sinh xuất thân từ những vùng, miền nghèo nhất Trung Quốc vào Đại học.

Tháng 6/2022 vừa qua, bà Zhang Guimei-Trương Quế Mai, 65 tuổi, đồng hành với các học sinh của mình tham dự kỳ thi tuyển sinh Đại học hàng năm của Trung Quốc, hay còn gọi là cao khảo (gaokao), năm thứ 12 liên tiếp.

Nếu mọi việc suôn sẻ, khi những học sinh này ra khỏi phòng thi, họ sẽ có thể thay đổi số phận của mình bằng con đường học vấn. Tuy nhiên, điều này không thể thành hiện thực nếu không có bà Trương Quế Mai. Được biết đến với danh xưng "Hiệu trưởng của những điều kỳ diệu", trong những năm qua, bà đã hỗ trợ hơn 1.800 nữ sinh xuất thân từ những vùng, miền nghèo nhất Trung Quốc vào Đại học. Bà không chỉ nhận được một trong những huy chương danh dự cao quý nhất của Trung Quốc vì đóng góp cho xã hội, mà còn được ghi vào sách giáo khoa lịch sử hiện đại chính thức do Chính phủ Trung Quốc biên soạn. Câu chuyện của bà đơn giản là về một giáo viên đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục.

Chồng của Trương Quế Mai cũng là giáo viên, từng dạy học cùng bà tại một trường Trung học ở Vân Nam (Trung Quốc), song đã qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1994. 2 năm sau, chính bà bị bệnh nan y. Vì đã dành hết tiền chữa bệnh cho chồng nên bà đã từ bỏ việc điều trị và giữ bí mật về bệnh tình của mình. Sự việc lộ ra khi bà ngất xỉu trong lớp học. Bất chấp hoàn cảnh nghèo khó, giáo viên, học sinh, dân làng và cả chính quyền địa phương đều quyên góp tiền để chữa trị cho bà. Trương Quế Mai biết rõ số tiền họ chuyển cho bà rất quý giá đối với họ. Bởi vào đầu những năm 2000, khu vực bà dạy học vô cùng nghèo vì địa hình đồi núi làm hạn chế sự phát triển nông nghiệp, cũng như giao thông vận tải. Thông thường, phụ huynh trả học phí cho con cái của họ bằng tiền xu, loại tiền không còn phổ biến ở các thành phố, tỉnh thành lớn. Mặc dù vậy, họ đã quyên góp đủ tiền cho việc điều trị của Trương Quế Mai. Điều này, khiến bà vô cùng xúc động và quyết định dành hết phần đời còn lại của mình để cống hiến cho giáo dục Vân Nam.

Trong thời gian giảng dạy, bà Trương Quế Mai nhận thấy, nhiều nữ sinh, thậm chí có không ít người đạt điểm cao, xếp đầu lớp, đột ngột bỏ học. Sau khi tìm hiểu, bà được biết họ ngưng việc học hành để đi làm với lương bèo bọt hoặc lấy chồng. Vào đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, song nhiều vùng ở Vân Nam vẫn còn nghèo khó. Các gia đình không có tiền đóng học phí cho tất cả những đứa con, nên thường ưu tiên giáo dục trẻ em trai hơn trẻ em gái. Do đó, nhiều trẻ em gái buộc phải hi sinh để gia đình có thêm nguồn thu nhập. Nhận thấy nâng cao trình độ học vấn của trẻ em gái sẽ là một trong những “chìa khóa” để thay đổi “bộ mặt” của Vân Nam, bà thành lập một trường Trung học công lập miễn phí để các nữ sinh có cơ hội nhận được nền giáo dục xứng đáng.

Con đường thành lập Trường Trung học nữ sinh Hoa Bình (Huaping) của bà Trương Quế Mai rất khó khăn. Mặc dù chính quyền địa phương rất ủng hộ nhưng họ không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của một trường Trung học miễn phí, bà phải đi quyên góp tiền trên đường phố từ năm 2002 đến năm 2007. Mọi chuyện thay đổi khi một phóng viên từ Bắc Kinh phát hiện ra nỗ lực của bà, đưa câu chuyện lên các phương tiện truyền thông và với sự giúp đỡ của mọi người trên khắp đất nước, Trường Trung học của bà cuối cùng đã mở cửa vào năm 2008. Khi trường mở cửa, chỉ có một tòa nhà, không có ký túc xá hay thậm chí cả phòng tắm. Vào ban đêm, các phòng học biến thành ký túc xá cho sinh viên và giáo viên nữ ngủ. Không lâu sau, 9 trong số 17 giáo viên ban đầu đã từ chức; hơn nữa, trường không có học sinh vì nhiều phụ huynh vẫn không chịu cho con gái xuống núi đi học. Bà Trương Quế Mai đi từ nhà này sang nhà khác, hứa rằng nhà trường sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ nữ sinh ngay cả khi họ không thể hoàn thành chương trình học. Nếu nữ sinh đỗ vào các trường Cao đẳng, Đại học nhưng gia đình không đủ khả năng chi trả, bà sẽ chịu mọi trách nhiệm tài chính. Nhiều bậc phụ huynh đã bị thuyết phục và các nữ sinh cuối cùng cũng có thể có được một tương lai bên ngoài những ngọn núi.

Trong thập kỷ qua, hơn 1.800 nữ sinh đã có tương lai khác thông qua Trường Trung học nữ sinh Hoa Bình. Hơn 40% học sinh tại đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng hàng đầu và Trường luôn xếp hạng nhất trong toàn huyện Lệ Giang (Vân Nam) trong nhiều năm. Công việc vất vả khiến sức khỏe bà Trương Quế Mai bị ảnh hưởng, song không thể phủ nhận, nỗ lực của bà đã góp phần làm cho hệ thống giáo dục của Hoa Bình thay đổi. Câu chuyện của bà cũng được coi là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người khác.

Tùng Anh (Theo Global Times)