Print

Covid-19 kéo lùi sự phát triển con người trên toàn cầu

Thứ Sáu, 09 /09/2022 13:46

Sáng 9/9, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022, với chủ đề “Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi".

Chủ đề của báo cáo năm nay phản ánh nhiều cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt và nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động đối với sự phát triển của con người. Theo báo cáo, trong thời gian qua, toàn cầu có khoảng 600 triệu đến một tỷ người bị nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 6 triệu người tử vong vì Covid-19. Tình trạng mất việc làm và thu nhập gây ra khó khăn nghiêm trọng đối với người nghèo và cận nghèo, đồng thời làm gián đoạn các trường học, dẫn đến mất động lực trong giáo dục, đào tạo mà sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được. Các dịch vụ y tế và cộng đồng bị quá tải, chất lượng dịch vụ y tế giảm sút nhiều.

“Thế giới đang tranh giành để ứng phó với các cuộc khủng hoảng liên tiếp”- Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner đã nhấn mạnh tại Lễ công bố diễn ra ở New York (Hoa Kỳ). “Để ứng phó với các cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và năng lượng, có thể có các giải pháp như trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, nhưng những giải pháp cứu trợ nhanh chóng này lại đang ảnh hưởng đến những thay đổi mang tính hệ thống lâu dài mà chúng ta cần thực hiện”- Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh.

Chỉ số phát triển con người (HDI- dựa trên tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình, đưa ra một thước đo tổng quát về sự phát triển của con người) đã giảm trên toàn cầu 2 năm liên tiếp lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm của chỉ số này. HDI đã giảm trở lại mức năm 2016, làm đảo ngược nhiều tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Hơn 90% số quốc gia đã ghi nhận mức giảm điểm HDI của họ vào năm 2020 hoặc 2021, cho thấy cuộc khủng hoảng vẫn đang tác động nặng nề đến nhiều người. Bên cạnh đó, một loạt các cuộc khủng hoảng mới và tồn tại trước đó đã làm gia tăng tác động tiêu cực của đại dịch và làm chậm quá trình phục hồi. Các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang ở Châu Âu, giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và bất ổn chính trị đã khiến cho nỗ lực khôi phục đà phát triển trở nên khó khăn hơn...

Đánh giá riêng về Việt Nam, báo cáo của UNDP nhận định, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược chung. Việt Nam thuộc nhóm có chỉ số HDI cao từ năm 2019 và đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả 3 khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Tốc độ gia tăng HDI chậm lại trong thập kỷ qua, chủ yếu là do Việt Nam đã là nước giàu hơn với mức tuổi thọ và trình độ học vấn tương đối cao so với mức thu nhập. Giá trị HDI của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, về cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (0,704) và Việt Nam đã tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ vị trí 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.

Báo cáo HDR 2021/2022 nhận định thêm, tình trạng bất định chung trên thế giới do nhiều nguyên nhân, dẫn đến cuộc sống bất an theo những cách chưa từng có. Trong khi một số quốc gia đang bắt đầu đứng vững trở lại, sự phục hồi không đồng đều và từng phần làm gia tăng thêm bất bình đẳng trong HDR. Mỹ Latinh, Caribe, Châu Phi-cận Sahara và Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo đưa ra lộ trình thoát khỏi sự bất định và hướng tới sự phát triển mới, bền vững và công bằng, đồng thời khuyến nghị các chính sách ưu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo, sự chuẩn bị sẵn sàng và bảo hiểm, bao gồm bảo trợ xã hội, nhằm giảm thiểu tác động của sự bất định, cũng như xây dựng năng lực cần thiết để ứng phó với những thách thức mới.

Thái An