Print

Áp lực công việc và tiền bạc đối với người lao động Hàn Quốc

Thứ Ba, 13 /09/2022 11:43

Từ một quốc gia đang phát triển thành một quốc gia phát triển trong vòng vài thế hệ, Hàn Quốc được coi là một trong “4 con rồng châu Á”. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế phát triển cao là những tác động tiêu cực đến NLĐ, nhất là NLĐ trẻ và người cao tuổi.

Văn hóa DN ở Hàn Quốc chú trọng thứ bậc, trong đó, tuổi tác và địa vị rất quan trọng. Rất khó để giữ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng, NLĐ Hàn Quốc tan ca khi đêm muộn nhưng vẫn phải đến rất sớm vào sáng hôm sau. Có thể từ chối tăng ca hay ra ngoài tiếp khách, song không thể phủ nhận, nhân viên tuân thủ các yêu cầu của thượng cấp thường nhận được sự đãi ngộ và cơ hội thăng tiến tốt hơn. Mức lương không như mong muốn, phụ thuộc nhiều vào sự gắn bó trung thành với công ty; thời gian làm việc dài; áp lực công việc lớn... Có xu hướng già trước khi giàu, rơi vào khốn khó khi nghỉ hưu vì những năm tháng khởi đầu của sự nghiệp, số tiền kiếm được của phần đông NLĐ chẳng đáng là bao. Đó là một số thách thức đối với NLĐ và NLĐ trẻ Hàn Quốc trong công việc.

Mặc dù tuổi tác là một yếu tố trong thứ bậc công việc, cũng như xã hội, song có một nghịch lý là một nửa số người cao tuổi Hàn Quốc có hoàn cảnh khó khăn (theo thống kê, năm 2020, 40,4% người từ 66 tuổi trở lên rơi vào tình trạng nghèo đói). Trong khi đó, dân số Hàn Quốc đang già đi, tuổi thọ lại tăng cao, các chuyên gia đưa ra nhận định, trong tương lai, cứ một trong hai người nghèo sẽ là người cao tuổi. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng này thế hệ trẻ không thể phụng dưỡng cha mẹ của họ, mà văn hóa DN của Hàn Quốc góp phần làm nghiêm trọng thêm vấn đề này. DN Hàn Quốc thường yêu cầu nhân viên kéo dài thời gian làm việc, hiện số giờ làm việc trung bình ở Hàn Quốc cao hơn 17% so với mức trung bình của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Áp lực công việc khiến thế hệ trẻ ít có xu hướng sống với gia đình. Năm 1994, có 54,7% người cao tuổi Hàn Quốc sống với con cháu, tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 23,7% vào năm 2017.

Bên cạnh việc NLĐ trẻ không có khả năng chăm sóc cha mẹ của họ, tình trạng nghèo đói ngày càng tăng ở người cao tuổi một phần do cấu trúc của hệ thống tiền lương DN. Việc lên lương theo thâm niên khiến NLĐ không có tích lũy trong những năm khởi đầu nhưng khi họ đạt mức lương cao hơn sau một thời gian dài, thì lại “được” khuyến khích nghỉ hưu sớm. Lương hưu của Chính phủ trả cho NLĐ đa phần chỉ khoảng 200 USD, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Hưu trí Quốc gia, số tiền này chỉ đáp ứng 1/4 chi phí cần thiết đối với hộ gia đình độc thân. Ngoài ra, lương hưu hiện chỉ bao phủ 35% dân số cao tuổi ở Hàn Quốc.

Bất chấp những hệ lụy của việc kéo dài thời gian làm việc trong ngày, Hàn Quốc ghi nhận năng suất lao động cao nhất mọi thời đại vào năm 2020. Gần đây, nhiều Tập đoàn, công ty đã rút ngắn thời gian làm việc để nhân viên có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tốt hơn. Chẳng hạn, Millie- một NXB sách hay Công ty Thương mại điện tử Cafe24 đã triển khai 1 tuần làm việc 4 ngày để giảm bớt áp lực cho NLĐ. Một số hãng hàng không, cửa hàng miễn thuế cũng đã nghiên cứu để thực hiện. Để thu nhận ý kiến NLĐ, một cuộc khảo sát với sự tham gia 1.164 nhân viên văn phòng cho ra kết quả: Hơn 50% NLĐ cho rằng rút ngắn thời gian làm việc giúp họ có thời gian nghỉ ngơi và cải thiện bản thân; 44,5% nói nếu được làm việc 4 ngày/tuần, họ sẽ nuôi dưỡng một sở thích mới hoặc thu nạp kiến thức mới để phục vụ nâng cao chất lượng công việc.

Đối với người cao tuổi, tăng khả năng tiếp cận với công việc cho họ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường lao động, có nguồn bổ sung lực lượng lao động, góp phần cải thiện năng suất lao động, chống phân biệt đối xử và xóa đói giảm nghèo. Trong số người Hàn Quốc ở độ tuổi 40-50 tham gia khảo sát, 64,9% tin rằng việc tạo và dành nhiều việc làm hơn cho người cao tuổi sẽ giúp giảm nghèo ở người cao tuổi một cách tốt nhất. Trước đó, Đạo luật Xúc tiến Việc làm cho người cao tuổi năm 2003 ra đời là căn cứ pháp lý nhằm khuyến khích Tập đoàn, công ty ở Hàn Quốc tăng tỷ lệ việc làm cho người cao tuổi, qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống cho đối tượng này.

Tùng Anh (Theo Koreabo)