Print

Mối nguy từ rác thải “thời trang ăn liền”

Thứ Tư, 14 /09/2022 12:45

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 85% hàng dệt may trên thế giới trở thành rác thải mỗi năm, một trong những nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ xu hướng Fast Fashion.

Fast Fashion, “thời trang ăn liền” hay “thời trang nhanh”, là thuật ngữ dùng để chỉ “những món đồ lấy ý tưởng từ các xu hướng thời trang mới nhất, được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng và bán cho người tiêu dùng”. Ngành thời trang này cho phép người tiêu dùng mua những thiết kế mới nổi bật, mới lạ theo xu hướng với giá cả phải chăng, hợp với túi tiền của phần đông mọi người. Thế nhưng, hệ lụy mà “thời trang ăn liền” gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người là rất nghiêm trọng.

Theo Mckinsey-Sustainability, một công ty tư vấn về tính bền vững, từ năm 2000- 2014, số lượng quần áo trên thế giới được sản xuất tăng gấp đôi. Người tiêu dùng với xu hướng thích mới lạ, thường không giữ quần áo lâu, mà thay đổi theo mùa. Vì vậy, theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 85% hàng dệt may trên thế giới trở thành rác thải mỗi năm, gây ra hệ lụy cho môi trường và sức khỏe con người.

Quần áo cũ thường được trung chuyển từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia phát triển, từ thành thị đến nông thôn, theo con đường kinh doanh hoặc quyên góp, viện trợ. Ở châu Phi, trong lĩnh vực kinh doanh, tiểu thương mua quần áo cũ theo kiện. Sau khi phân loại, đồ còn sử dụng được sẽ được bán tại các gian hàng chuyên bán quần áo sang tay (second-hand) cho người nghèo, người thu nhập thấp… và một bộ phận người thích sưu tập/phối đồ độc, lạ.

Tuy nhiên, thời kỳ cực thịnh không còn, việc buôn bán quần áo cũ giờ đây khó khăn hơn rất nhiều. Một cửu vạn đến từ miền bắc Ghana, hiện đang làm việc ở Thủ đô Accra, cho biết chỉ kiếm được khoảng 4,5 USD/ngày cho công việc vận chuyển quần áo. Một số tiểu thương buồn bã nói rằng họ không kiếm được là bao, nhiều lúc còn phải gửi quần áo cũ về cho gia đình, bạn bè sử dụng vì mãi không bán được. Rác thải “thời trang ăn liền” chất cao như núi ở các chợ quần áo Thủ đô Accra (Ghana), cũng như chợ Gikomba, chợ trời lớn nhất ở Đông Phi.

Hiện tại, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới có xu hướng chung tay chống lại “thời trang ăn liền” bằng việc chú trọng vào phân khúc thời trang cao cấp và thời trang bình dân nhưng có giá trên 100 USD. Mức giá này rõ ràng nằm ngoài tầm với của nhiều người, đặc biệt là với 80% người dân châu Phi sống với mức dưới 5,5 USD/ngày. Bên cạnh đó, các DN ngành dệt may châu Phi cũng bắt đầu tích cực đấu tranh chống lại “thời trang ăn liền” bằng cách tạo ra sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Chẳng hạn như thương hiệu thời trang NKWO, có trụ sở tại Nigeria, sử dụng các kỹ thuật và vật liệu có nguồn gốc địa phương để tôn vinh nghệ thuật thủ công truyền thống của châu Phi và khai thác tối đa rác thải “thời trang ăn liền”. Họ đưa ra khái niệm thời trang không rác thải, đó là phát minh ra vải Dekala và sử dụng phương pháp dệt vải hiện đại để tạo ra sản phẩm may mặc chất lượng cao từ vải vụn. Các thiết kế sáng tạo và có tính ứng dụng cao của họ đã giành được giải thưởng tại Tuần lễ Thời trang Lagos. Hay Suave Kenya, thương hiệu thời trang Đông Phi, tái sử dụng vải denim từ quần jeans cũ, lụa từ áo sơ mi cũ, da từ áo khoác cũ… để tạo ra túi xách, balô, túi đeo chéo và hơn thế nữa.

Khi tham quan chợ Aswani (Panipat, Ấn Độ), nơi được coi là “thủ đô hàng may mặc tái chế toàn cầu” và nhìn thấy những đống rác thải quần áo ở Lagos (Nigeria), NTK Priya Ahluwalia đã có cảm hứng để ra mắt thương hiệu thời trang Ahluwalia. Tinh thần của Ahluwalia là sự kết hợp tinh hoa văn hóa Nigeria và Ấn Độ, đồng thời, tận dụng khóe léo các vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên. Các BST của Ahluwalia được trình diễn trong Tuần lễ thời trang London và Vogue, mang dấu ấn của các quốc gia đang phát triển lên sàn diễn thời trang cao cấp toàn cầu.

Tùng Anh (Theo WEF)