Print

Tìm ra một nhánh sông Nile giúp xây dựng các kim tự tháp Ai Cập?

Thứ Sáu, 16 /09/2022 14:02

4.500 năm qua, quần thể kim tự tháp Giza- một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại sừng sững trên bờ Tây sông Nile như một huyền thoại. Trong đó, đại kim tự tháp Giza được xây dựng trong 24 năm, từ khoảng năm 2560 TCN, được cho là lăng mộ của Pharaoh Cheops thời Ai Cập cổ đại.

Một điều bí ẩn là cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa tìm ra chính xác bằng cách nào người Ai Cập cổ đại vận chuyển được 2,3 triệu khối đá vôi và granit, mỗi khối nặng trung bình hơn 2 tấn, băng qua hàng dặm sa mạc từ bờ sông Nile đến địa điểm đặt kim tự tháp trên cao nguyên Giza.

Quần thể kim tự tháp Giza hiện nay

Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết, người Ai Cập cổ đại sử dụng hệ thống sông hoặc kênh rạch trong vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Gần đây, giả thuyết này càng được củng cố khi một nhóm nghiên cứu công bố một số bằng chứng cho thấy về một nhánh sông Nile (nay đã không còn) từng cắt ngang qua vùng sa mạc này, giúp việc vận chuyển các khối đá khổng lồ đến quần thể kim tự tháp Gaia trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Lần theo các dấu vết được lưu giữ trong sa mạc, nhóm nghiên cứu tái tạo lại dòng chảy của Khufu, một nhánh sông Nile, trong 8.000 năm qua. Kết quả cho thấy, nhánh sông Khufu- đã khô cạn vào khoảng năm 600 TCN, có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các kỳ quan cổ đại. TS.Hader Sheisha, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy về Khoa học Địa chất Môi trường Mỹ, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi khẳng định, người Ai Cập cổ đại không thể xây dựng các kim tự tháp nếu không có Khufu. Vào năm 2013, chúng tôi đọc được thông tin người ta khai quật được những cuộn giấy cói papyrus ngàn năm tuổi tại một bến cảng cổ gần Biển Đỏ. Một số cuộn giấy ghi lại nỗ lực của một vị quan tên là Merer và người của ông trong việc vận chuyển đá vôi ngược sông Nile đến Giza để xây dựng đại kim tự tháp Giza. Chúng tôi rất phấn khích vì điều này là một trong những minh chứng rõ ràng nhất để xác nhận việc vận chuyển vật liệu xây dựng kim tự tháp là tận dụng sức nước”.

Phác thảo về giả thuyết Khufu- một nhánh của sông Nile góp phần vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng kim tự tháp 

TS.Joseph Manning (Trường Đại học Yale), thuộc dự án nghiên cứu khác, cung cấp thêm thông tin: “Sau khi nghiên cứu ảnh hưởng của những vụ núi lửa phun trào trong khu vực sông Nile trong lịch sử Ai Cập, chúng tôi rút ra, có dấu hiệu tồn tại của nước ở gần quần thể kim tự tháp Giza. Từ đó, có thể đưa ra giả thuyết, người Ai Cập cổ đại đào một con kênh xuyên qua sa mạc hoặc sử dụng một nhánh sông Nile để vận chuyển vật liệu xây dựng kim tự tháp, tuy nhiên, manh mối về việc này vẫn còn rất ít.

Quay lại nhóm nghiên cứu của TS.Hader Sheisha, để tìm thêm bằng chứng về nhánh sông Nile Khufu, họ đã khoan xuống lòng sa mạc gần khu cảng Giza khoảng 30m, thu thập được 5 lõi trầm tích. Tại một phòng thí nghiệm ở Pháp, TS.Sheisha và cộng sự sàng lọc thực vật trong các lõi trầm tích, phát hiện ra 61 loài thực vật như dương xỉ, cọ, cói papyrus.. tập trung ở những phần khác nhau của lõi, cơ bản cho thấy hệ sinh thái khu vực thay đổi như thế nào trong nhiều thiên niên kỷ qua. Theo đó, phấn hoa từ các loài thực vật như cattails và papyrus chứng thực, khu vực gần kim tự tháp có môi trường nước gần giống đầm lầy. Dữ liệu này tiếp tục được phân tích để ước tính mực nước sông Nile trong quá khứ. Kết luận khoảng 8.000 năm trước, phần lớn sa mạc Sahara được bao phủ bởi sông hồ, đồng cỏ và khu vực xung quanh quần thể kim tự tháp Giza có dấu hiệu của nguồn nước.

Vài nghìn năm tiếp theo, khi khu vực Bắc châu Phi khô cạn, nhánh sông Khufu vẫn giữ lại được khoảng 40% lượng nước- điều này khiến nó trở thành một lựa chọn hoàn hảo cho việc xây dựng kim tự tháp. Sau này, khi Ai Cập ngày càng khô hạn hơn, thì mực nước ở nhánh sông Khufu đã giảm xuống quá mức có thể sử dụng được. Khi vua Tutankhamen lên ngôi vào khoảng năm 1350 TCN, nhánh sông dần sa mạc hóa. Và vào thời điểm Alexander Đại đế chinh phục Ai Cập vào năm 332 TCN, khu vực xung quanh nhánh sông Khufu đã trở nên khô cằn và được chuyển đổi thành nghĩa trang. Mặc dù nhánh sông Khufu không còn nữa, song TS.Sheisha và cộng sự cho rằng, nghiên cứu của họ sẽ góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề bí ẩn trong xây dựng kim tự tháp ở Ai Cập.

Tùng Anh (Theo The New York Times)