Print

Xây dựng hệ thống chính sách xã hội đảm bảo toàn diện, bao trùm

Thứ Sáu, 16 /09/2022 14:18

Sáng 16/9, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, cùng Học viện Hành chính quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, với sự hỗ trợ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 khu vực phía Bắc.

Người có công được quan tâm đặc biệt

Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; đến năm 2020, cơ bản bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu, quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và ASXH, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn (nhà ở cho người có công, trợ giúp xã hội, trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, tỷ lệ đi học đúng tuổi, BHYT, tiêm chủng mở rộng) và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của LHQ (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020)...

Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội, phong trào Đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng. Đặc biệt, đã quyết liệt giải quyết hồ sơ tồn đọng, công tác xác nhận người có công được tổ chức thực hiện đảm bảo không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Giai đoạn 2013-2019, đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở (đạt tỷ lệ 96,7% so với kế hoạch). Công tác chăm lo đời sống gia đình người có công và làm tốt công tác thương binh liệt sĩ đã thu hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến năm 2020, đảm bảo 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ.

Điểm tựa ASXH từ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

Chia sẻ đánh giá khái quát kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 -2020 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ông Bùi Tôn Hiến- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Một trong những kết quả nổi bật về thực hiện các chính sách đảm ASXH trong giai đoạn 10 năm qua là sự hoàn thiện và đổi mới trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, cũng như đảm bảo y tế tối thiểu thông qua BHYT. Theo đánh giá, diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia BHXH vào năm 2020. Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia BHXH vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tăng đều hàng năm, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021. Từ năm 2019, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện, phát triển hệ thống đại lý đến cấp xã/phường, tạo bước đột phá về số lượng người tham gia qua các năm. Đến năm 2021, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,5 triệu người, bằng 6 lần số lượng năm 2018.

Quyền lợi của người tham gia cũng luôn được đảm bảo, khẳng định được vai trò giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân). “BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH”, báo cáo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách BH thất nghiệp đã thể hiện vai trò trong hỗ trợ DN và NLĐ khi chấm dứt hợp đồng, mất việc làm, trong giải quyết chế độ chính sách đối với NLĐ, đặc biệt là khi DN gặp khó khăn về tài chính. Từ đó, tạo sự gắn kết, chia sẻ giữa những người tham gia; tạo sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng DN. Độ bao phủ của BH thất nghiệp không ngừng được mở rộng, từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp tăng đều hàng năm, đạt 26,8% năm 2020, 30% năm 2021.

Về BHYT, việc hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư của ngân sách nhà nước và cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá về tỷ lệ bao phủ của BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ BHYT. Đến hết năm 2020, có 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,85% dân số; Năm 2021, cả nước có 88,8 triệu người tham gia BHYT, chiếm 91% dân số; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 96%-98%.

Ngoài ra, cũng nằm trong nhóm chính sách về đảm bảo ASXH, hầu hết các chỉ số về trong các lĩnh vực việc làm, thu nhập và giảm nghèo; trợ giúp xã hội; đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản; giáo dục tối thiểu; y tế tối thiểu; nước sạch; tiếp cận thông tin... đều có sự chuyển biến mạnh mẽ, cho thấy các chính sách được ban hành và thực hiện trong 10 năm qua đã cơ bản đáp ứng như cầu thiết yếu của người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 (năm 2020 và 2021), Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn một cách kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau. Năm 2020 đã hỗ trợ trên 10 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và lao động tự do, tổng kinh phí là 12.293 tỷ đồng; năm 2021 hỗ trợ gần 37,06 triệu lượt đối tượng, tổng kinh phí là 42.740 tỷ đồng. Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các đối tượng khó khăn khác.

Sẽ có nghị quyết mới về chính sách xã hội trong giai đoạn tới

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, đối tượng còn cao. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, tái nghèo vẫn cao; các chính sách thị trường lao động hiệu quả chưa cao, nhóm lao động khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức; độ bao phủ BHXH thấp so với tiềm năng; BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn NLĐ tham gia; phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ y tế cơ sở chưa đáp ứng; tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo tiêu chuẩn Quốc gia còn thấp; phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41% so với mục tiêu. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế, hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống quản trị còn có thiếu tính đồng bộ, chưa hiện đại. Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội còn có nhiều hạn chế, thiếu tính chủ động...

Nhằm khắc phục những hạn chế này, “Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhâp trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII vào khoảng nửa đầu năm 2023”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thông tin.

Các đề xuất định hướng phát triển chính sách xã hội giai đoạn mới dự kiến hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu ASXH và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho tất cả người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau góp phần thực hiện khát vọng dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, tự cường và hạnh phúc.

Về tầm nhìn đến năm 2045, sẽ xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hoà và bền vững; tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được bảo đảm an sinh xã hội, được hưởng phúc lợi xã hội cao; xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; góp phần xây dựng đất nước phát triển có thu nhập cao, xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Riêng với chính sách BHXH, cần xây dựng hệ thống ASXH đa tầng; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới cung cấp đa dạng các sản phẩm BHXH. Quản lý và đầu tư Quỹ BHXH an toàn, bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp và duy trì việc làm bền vững cho NLĐ. Đồng thời, duy trì BHYT toàn dân; quản lý và sử dụng quỹ BHYT cân đối, hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm hội nhập quốc tế...

Thái An