Print

Ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu của Nhật Bản

Thứ Hai, 19 /09/2022 14:41

Đầu tháng 8/2022, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo, mức lương tối thiểu tăng 3,3%.

Mức lương tối thiểu của Nhật Bản hiện ở mức 961 yên (tương đương 7,3 USD) mỗi giờ. Với mức lương tối thiểu này, Nhật Bản vượt Mỹ (7,25 USD) và xếp sau Australia (14,88 USD), Vương quốc Anh (9,50 bảng Anh), Pháp (10,60 euro) và Đức (9,80 euro).

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng NLĐ Nhật Bản gần như không được tăng lương tối thiểu ở mức đáng kể nào từ năm 2000. Gần đây, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm tăng chi phí nhập khẩu, buộc DN phải tăng giá hàng hóa, lạm phát đã và đang làm tổn hại đến sức chi tiêu của người tiêu dùng… nên việc tăng lương tối thiểu cho NLĐ được Chính phủ Nhật Bản thảo luận và đưa ra quyết định. Có thể nói, tăng lương tối thiểu là một phần trong chương trình nghị sự của chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio nhằm giảm bất bình đẳng thu nhập. Trong tương lai, mức lương tối thiểu có thể tăng lên 1.000 yên (7,51 USD) nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt đối NLĐ có thu nhập thấp, đồng thời, tạo đà cho quốc gia phục hồi kinh tế nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia lĩnh vực lao động- việc làm, Nhật Bản chậm tăng lương tối thiểu một phần bắt nguồn từ cơ cấu việc làm của quốc gia này. Hệ thống Việc làm trọn đời (The Lifetime Employment System) của Nhật Bản hình thành qua quá trình tăng trưởng kinh tế quốc gia trong thập niên 50 và 60; trong đó, các Tập đoàn, công ty chú trọng đến vấn đề đảm bảo việc làm cho NLĐ hơn là tăng năng suất ngắn hạn, bằng cách thực hiện 3 tiêu chí: Khuyến khích NLĐ gắn bó với Tập đoàn, công ty cho đến khi nghỉ hưu; thâm niên quyết định tiền lương; Công đoàn- thường thuộc Tập đoàn, công ty và thương lượng với Lãnh đạo để quyết định thời điểm tăng mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000, các Tập đoàn, công ty Nhật Bản bắt đầu gặp phải sự cạnh tranh từ các nền kinh tế thị trường mới nổi (chẳng hạn, Trung Quốc), khiến họ chuyển sang sử dụng nhiều lao động bán thời gian hơn và cắt giảm số lượng lao động trong cơ cấu việc làm suốt đời. Năm 2021, theo thống kê, chỉ có 16,9% NLĐ Nhật Bản thuộc Liên đoàn Lao động, có nghĩa là số lượng NLĐ ngoài cơ cấu việc làm suốt đời tăng lên. Tầng lớp trung lưu Nhật Bản tiếp tục giảm khi ngày càng nhiều NLĐ chuyển sang làm việc bán thời gian, kinh tế khó khăn, có nguy cơ nghèo đói (Năm 2020, theo số liệu của OECD, 15,7% người Nhật Bản sống trong cảnh nghèo đói, có thu nhập thấp hơn một nửa mức trung bình của toàn dân số). Bên cạnh dân số già, thị trường lao động của Nhật Bản còn có hạn chế là thiếu vắng sự đóng góp của lao động nữ. Theo truyền thống, phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn thường nghỉ việc để chuyên tâm làm nội trợ hay chuyển sang làm công việc bán thời gian lương thấp. Hay nói cách khác, sau khi kết hôn, họ ít nhiều phụ thuộc tài chính vào bạn đời- điều này dẫn đến việc có một bộ phận không có tiếng nói trong gia đình hoặc trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình. Phụ nữ lớn tuổi, bà mẹ đơn thân… dễ rơi vào nghèo đói hoặc trở thành người vô gia cư.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, lạm phát tăng khiến nhiều NLĐ, hộ cận nghèo, hộ nghèo Nhật Bản có đời sống khó khăn. Việc tăng lương tối thiểu của Chính phủ được kỳ vọng là bước đầu tiên giúp NLĐ giảm bớt khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Chính phủ Nhật Bản cần tập trung phục hồi kinh tế; cải cách chính sách thuế cho NLĐ; tăng số lượng việc làm toàn thời gian trên thị trường lao động… để giải quyết triệt để việc xóa đói giảm nghèo.

Tùng Anh (Theo Tokyo News)