Print

Mở rộng diện bao phủ ASXH cần tập trung vào BHXH bắt buộc

Thứ Ba, 20 /09/2022 17:01

“Mở rộng diện bao phủ ASXH tại Việt Nam cần tập trung vào các chính sách về BHXH bắt buộc”- đó là khuyến nghị của đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tại Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về thực hiện chính sách ASXH giai đoạn 2012-2020, vừa tổ chức ngày 20/9 tại TP.HCM.

Theo bà Ingrid Christensen- Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH ở cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. Nhưng, việc mở rộng diện bao phủ BHXH ở Việt Nam một cách có hiệu quả cần phải tập trung vào việc thúc đẩy tham gia BHXH bắt buộc. Điều này có thể từng bước đạt được nếu thực hiện đầy đủ các bước để tạo điều kiện và hỗ trợ sự tham gia của các đối tượng NLĐ hiện đang thuộc phạm vi của hệ thống BHXH tự nguyện, chẳng hạn như lao động phi chính thức.

Bà Ingrid Christensen- Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam

Cũng theo bà Ingrid Christensen, hiện nay, NSNN hỗ trợ một phần kinh phí cho người tham gia BHXH tự nguyện. Song, kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra sự thiếu hiệu quả của các chương trình BHXH tự nguyện trong việc mở rộng nhanh diện bao phủ. Do đó, các chính sách nên tập trung tạo điều kiện và hỗ trợ để những nhóm thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, chẳng hạn như lao động phi chính thức được tham gia BHXH bắt buộc. Ví dụ, với chính sách BHYT, khi Việt Nam tập trung vào chính sách bắt buộc áp dụng toàn dân, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng lên nhanh chóng.

“Trong Luật BHXH, chúng tôi nhận thấy sự tồn tại của một số rào cản pháp lý đối với việc mở rộng phạm vi của BHXH bắt buộc, thông qua một số loại trừ hoặc ẩn ý. Một trong những loại trừ liên quan đến các loại hợp đồng- quan hệ lao động. Vì nhiều hình thức việc làm hiện không được hệ thống BHXH bắt buộc áp dụng, hạn chế NLĐ và cả chủ SDLĐ tham gia hệ thống. Do đó, hạn chế không gian mở rộng phạm vi BHXH. Bên cạnh đó, một phần đáng kể NLĐ thực tế là những người làm công ăn lương, chứ không phải lao động tự do; do đó cần phải được tham gia BHXH bắt buộc”- đại diện ILO nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng cho rằng, ngoài mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc, chính sách cần tính đến các phương án giữ chân NLĐ ở lại hệ thống. Một nghiên cứu của ILO cho thấy, 60% lao động nữ trong độ tuổi 25-26 có tham gia BHXH; tuy nhiên sau một thời gian họ lại rời đi. Hiện nay, nhiều lao động chọn nhận BHXH một lần- cũng là thách thức cho chính sách. Vì vậy, chính sách BHXH bắt buộc cần có những thay đổi để tăng tính hấp dẫn như: Có thể giảm năm đóng góp tối thiểu để được hương hưu; thêm chế độ cho gia đình, trẻ em và tăng cường các mức hưởng; Chính phủ cần có thêm một mức trợ cấp nhất định cho người tham gia; cần cải thiện chế độ hưởng để NLĐ thấy rằng tham gia BHXH là xứng đáng…

Ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, sau năm 2036, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng và bước vào quá trình già hóa. Lúc đó, các chính sách an sinh sẽ tập trung vào chăm lo cho người già nhiều hơn là lao động đang làm việc. Tại Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm 5 trụ cột là: BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cứu trợ xã hội, trợ giúp và ưu đãi xã hội. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người dân tham gia BHXH chưa được như kỳ vọng, do đó tương lai dễ nhìn thấy là số lượng lớn người già sẽ không có lương hưu.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I/2022, toàn quốc có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH, đạt gần 33% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để mở rộng bao phủ ASXH cần thiết phải hướng đến BHXH bắt buộc.

Ông Bùi Tôn Hiến- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Thường trực Tổ Biên tập cũng cho biết: Trong 10 năm qua, riêng 3 trụ cột của hệ thống ASXH là BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã đạt được những kết quả vượt bậc. Cụ thể: Về BHXH, phạm vi đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH tăng từ 21,6% năm 2012 lên 36% năm 2021. Về BHYT, đã đạt tỷ lệ bao phủ 91% dân số, tương đương 88,8 triệu người tham gia. Về BH thất nghiệp có hơn 13,5 triệu người tham gia, chiếm 30% lực lượng lao động.

Tại Hội thảo, đại diện Thành ủy TP.HCM cũng góp ý, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến BHYT toàn dân, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Song song đó, quan tâm chính sách BHXH tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp, phi chính thức. Đặc biệt, cần chú trọng triển khai Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH.

Phạm Thọ