Print

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương

Thứ Năm, 22 /09/2022 16:39

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 2355/QĐ-BHXH quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương.

Theo đó, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh) là cơ quan trực thuộc BHXH Việt Nam đặt tại tỉnh, có chức năng giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT và kiểm tra việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và quy định BHXH Việt Nam.

BHXH tỉnh chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Tổng Giám đốc và chịu sự quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh của UBND cấp tỉnh. BHXH tỉnh có nhiệm vụ xây dựng, trình Tổng Giám đốc kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn và chương trình công tác hàng năm; tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình sau khi được phê duyệt.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch lãnh đạo thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đối với một số nhóm người tham gia từ nguồn ngân sách địa phương; trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn. Phối hợp với Sở Y tế trong việc xác định cơ sở KCB đủ điều kiện đăng ký KCB ban đầu, phân bổ số thẻ BHYT. Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

BHXH tỉnh cũng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Cụ thể: Xác định, khai thác, phát triển, quản lý người tham gia và hưởng BHXH, BHYT. Tổ chức thu hoặc ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức dịch vụ thu các khoản đóng BHXH, BHYT của các tổ chức và cá nhân tham gia. Kiểm tra việc đóng nộp BHXH, BHYT đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức SDLĐ, cá nhân; từ chối việc đóng các chế độ BHXH, BHYT không đúng quy định của pháp luật. Thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Quản lý hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng khai thác, phát triển người tham gia cho nhân viên thuộc tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT; cấp thẻ nhân viên thu. Cấp, quản lý mã số BHXH; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người tham gia BHXH, BHYT; quản lý, sử dụng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT theo đúng quy định.

Giải quyết các chế độ BHXH, BHYT; thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC về BHXH, BHYT tại BHXH tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công; thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT; thực hiện tiếp công dân theo quy định.

Chủ trì phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, chủ SDLĐ xem xét giải quyết việc tính thời gian công tác cho NLĐ có thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam.

Tổ chức chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; chủ trì, tham mưu thực hiện ký hợp đồng ủy quyền chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng các chế độ BHXH với tổ chức dịch vụ công. Kiểm tra việc chi trả các chế độ khi có dấu hiệu vi phạm; từ chối chi trả các chế độ không đúng quy định. Thu hồi số tiền hưởng chế độ sai quy định thuộc trách nhiệm của cơ quan BHXH.

Tiếp nhận khoản kinh phí từ NSNN chuyển sang để đóng, hỗ trợ đóng cho người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật và theo phân cấp.

Tổ chức ký, thực hiện hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB BHYT có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành; kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng KCB BHYT; tổ chức thực hiện giám định BHYT theo quy định; bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT và chống lạm dụng, trục lợi chế độ BHYT.

Phối hợp với Sở Y tế và đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn xây dựng nhu cầu về danh mục, số lượng thuốc; đồng thời tham gia thẩm định và tổng hợp nhu cầu về danh mục, số lượng thuốc. Tham gia đấu thầu thuốc KCB BHYT theo quy định của pháp luật.

Thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT theo quy định.

Tổ chức thực hiện các hoạt động như: Đối thoại chính sách, tư vấn, giải đáp chính sách tại địa phương; xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; khảo sát, đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH trên địa bàn tỉnh theo phân cấp của BHXH Việt Nam.

Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC theo chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Thực hiện công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, công tác pháp chế. Tổ chức triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN trong thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng, áp dụng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) của BHXH tỉnh theo phân cấp của BHXH Việt Nam.

Tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC và số hóa hồ sơ, tài liệu lưu trữ hành chính, nghiệp vụ; tổ chức thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu hành chính, nghiệp vụ; hồ sơ của đối tượng tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT (gồm cả giấy và điện tử) đối với các đơn vị thuộc BHXH tỉnh theo quy định.

Tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT; cập nhật biến động tăng, giảm dữ liệu hộ gia đình theo quy định. Bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về BHXH, BHYT và nghiệp vụ chuyên môn theo phân cấp quản lý cho CCVC thuộc BHXH tỉnh. Có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT trên địa bàn.

Đề xuất với BHXH Việt Nam kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về BHXH, BHYT; kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.

Định kỳ cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng các chế độ, thủ tục thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ, chủ SDLĐ hoặc khi NLĐ, chủ SDLĐ, tổ chức Công đoàn yêu cầu; cung cấp đầy đủ và kịp thời tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương, các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT theo quy định…

Cũng theo Quy định này, cơ cấu tổ chức của BHXH tỉnh được chia làm 3 nhóm. Cụ thể:

Đối với BHXH tỉnh thuộc Nhóm 1 (gồm: BHXH TP.Hà Nội và BHXH TP.HCM- thực hiện từ ngày 1/1/2023), cơ cấu tổ chức gồm 11 Phòng: Quản lý Thu-Sổ thẻ, Chế độ BHXH, Giám định BHYT 1, Giám định BHYT 2, Kế hoạch-Tài chính, Thanh tra-Kiểm tra, Tổ chức cán bộ, Truyền thông, CNTT, Quản lý hồ sơ, Văn phòng. Từ ngày 1/1/2024, Nhóm 1 gồm 10 phòng (không còn Phòng Quản lý hồ sơ).

Đối với BHXH tỉnh thuộc Nhóm 2 (gồm BHXH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương- được thực hiện từ 1/1/2023), cơ cấu tổ chức gồm 9 Phòng: Quản lý Thu-Sổ thẻ, Chế độ BHXH, Giám định BHYT, Kế hoạch-Tài chính, Thanh tra-Kiểm tra, Tổ chức cán bộ, Truyền thông, CNTT, Văn phòng.

Đối với BHXH tỉnh thuộc Nhóm 3 (gồm 56 BHXH tỉnh còn lại- được thực hiện từ ngày 1/1/2023), cơ cấu tổ chức gồm 9 Phòng: Quản lý Thu-Sổ thẻ, Chế độ BHXH, Giám định BHYT, Kế hoạch-Tài chính, Thanh tra-Kiểm tra, Tổ chức cán bộ, Truyền thông, CNTT, Văn phòng. Từ ngày 1/1/2024, cơ cấu tổ chức thuộc Nhóm 3 có 8 Phòng (không còn Phòng CNTT).

Các Phòng và Văn phòng trực thuộc BHXH tỉnh có chức năng giúp Giám đốc BHXH tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với từng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định…

Thủy Hà