Print

Lạng Sơn: Huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT

Thứ Hai, 26 /09/2022 10:49

Đây là nhận định đưa ra tại Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện vào cuộc sống do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp các đơn vị tổ chức tại Lạng Sơn.

Tuyên truyền sâu rộng chính sách đến người dân

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), những năm qua, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện tại Lạng Sơn đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan và được chú trọng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện đã được triển khai đến người SDLĐ, NLĐ và người dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức đa dạng. Vì vậy, Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh có 66.238 người tham gia BHXH, tăng 602 người so cùng kỳ năm 2021 (trong đó, 52.424 người tham gia BHXH bắt buộc; 13.814 người tham gia BHXH tự nguyện); 42.381 người tham gia BH thất nghiệp và 684.623 người tham gia BHYT, đạt 85,91% dân số tham gia BHYT...

Từ thực tế triển khai thực hiện, bà Nông Thị Phương Thảo- Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn khẳng định, xác định công tác truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH tỉnh không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần Quyết định số 1676/QĐ-TTg. Theo đó, các hoạt động truyền thông được triển khai linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Sở, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí địa phương để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, nội dung truyền thông được đổi mới rõ nét ngắn gọn, xúc tích với các thông điệp gần gũi, dễ nhớ;… Đặc biệt, cơ quan BHXH đã vận dụng linh hoạt, đa dạng theo từng thời điểm, bối cảnh để truyền thông đạt hiệu quả (qua mạng xã hội, trực tiếp tại các hội nghị khách hàng, tư vấn chính sách, truyền thông nhóm nhỏ, lễ ra quân…). “Trong 8 tháng qua, toàn tỉnh đã tổ chức 1.999 cuộc truyền thông nhóm nhỏ (trực tiếp tại các hộ gia đình, tại các điểm kinh doanh...); 80 hội nghị tuyên truyền với 3.857 người tham dự; tổ chức 2 buổi lễ ra quân, phân bổ 15.160 tờ gấp các loại tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV; 5.532 lượt truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; 322 tin, bài, phóng sự trên cổng thông tin điện tử, báo, đài truyền hình”- bà Thảo thông tin.

Bên cạnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai thực hiện đúng quy định Luật BHYT, những năm qua Sở Y tế tỉnh cũng đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu được những thay đổi trong chính sách của Đảng và Nhà nước; truyền thông về chính sách pháp luật BHYT giúp người dân hiểu về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia đóng BHYT góp phần nâng cao nhận thức, sự chủ động của người dân trong việc tham gia BHYT. Đặc biệt, để người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK đến KCB mà thẻ BHYT không còn giá trị sử dụng khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg hiểu những thay đổi của chính sách, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện, Sở Y tế đã xây dựng Đề cương tuyên truyền thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định số 433/QĐ-UBDT trong đó đề xuất các giải pháp để người dân tham gia BHYT theo các đối tượng phù hợp, tránh bị ngắt quãng thời gian và quyền lợi thụ hưởng khi đi KCB. Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp với cơ quan BHXH giải đáp thắc mắc cho người bệnh. Đồng thời, chủ động hướng dẫn người bệnh để đảm bảo giải quyết kịp thời quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT tại 213 cơ sở KCB BHYT trong toàn tỉnh…

Các cấp, ngành cùng vào cuộc đưa chính sách BHXH, BHYT đến người dân

Cũng theo bà Nông Thị Phương Thảo, trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Lạng Sơn cũng gặp những khó khăn nhất định. Đơn cử, dù đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất nhưng các DN chưa thể phục hồi lại được như thời gian trước khi có dịch nên nhiều lao động chưa trở lại làm việc; các cửa khẩu biên giới với Trung quốc chưa mở, DN xuất, nhập khẩu hạn chế nên công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ SDLĐ vẫn xảy ra; nhiều DN đã tham gia nhưng chưa tham gia đúng, đủ số lao động cũng như số tiền theo quy định; nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, không có khả năng khắc phục nợ ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ. Đáng chú ý, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn thay đổi nên đầu năm 2022 đã có khoảng 2.000 người dừng tham gia BHXH tự nguyện.

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác truyền thông phải coi truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, xuyên suốt, phải là một chuỗi giá trị liên quan đến tất cả các lĩnh vực, từ khâu tiếp nhận TTHC đến khâu trả kết quả; phải huy động được cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác thông tin, truyền thông; phải phát huy được sức mạnh tập thể trong cơ quan BHXH, mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên và phải coi công tác BHXH, BHYT không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ công dân; cán bộ truyền thông phải là người am hiểu về chính sách, nhạy bén trong xử lý tình huống...

Cùng chung nhận định, LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn cho rằng, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đem lại hiệu quả cao thì bên cạnh sự nỗ lực, phối hợp của các cơ quan liên quan, Tỉnh ủy Lạng Sơn tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhất là các quyền lợi khi NLĐ gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, kỹ thuật trong việc KCB, trong đó có KCB BHYT. Chỉ đạo ngành chức năng địa phương kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là tại các doanh nghiệp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với NLĐ.

Từ thực tiễn công tác truyền thông tại cơ sở, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Bình khẳng định, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân huyện đã nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng của báo cáo viên; hiểu rõ hơn về ý nghĩa và quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện được mở rộng và tăng nhiều. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 90,62% dân số; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.153 người (đến ngày 20/9/2022). Song để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,93% dân số); tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2022 đạt 91,73%, Huyện ủy tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, xác định dây là nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện. Tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền miệng về Nghị quyết 21-NQ/TW, Quyết định số 1676/QĐ-TTg. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ BHXH các cấp; tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của đội ngũ những người có uy tín, người đang hưởng các chế độ BHXH, người đang hưởng lương hưu hàng tháng, người KCB BHYT được hưởng chi phí cao tuyên truyền về lợi ích thiết thực của các chế độ BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện...

Nguyệt Hà