Print

Hàn Quốc: Năm 2022, có hơn 2,6 triệu người người khuyết tật

Thứ Hai, 26 /09/2022 16:39

Hơn 2,6 triệu người, tương đương với 5% dân số, được ghi nhận là người khuyết tật ở Hàn Quốc vào năm 2022. Mặc dù con số này không phải là nhỏ, song có một thực tế là người khuyết tật ở Hàn Quốc vẫn bị phân biệt đối xử và đang phải đối mặt với những “rào cản” trong giao thông, trường học và nơi làm việc.

Gần đây, bộ phim truyền hình Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo (Extraordinary Attorney Woo) đã đạt được sự yêu thích cả trong nước và toàn cầu kể từ khi ra mắt vào ngày 29/6/2022. Từ ngày 25/7 đến ngày 31/7/2022, bộ phim ghi nhận lượt xem kỷ lục là hơn 65,63 triệu giờ phát trực tuyến trên tất cả các nền tảng trình chiếu.

Cảnh trong phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo (Extraordinary Attorney Woo)

Phim kể về cuộc đời của Woo Young-woo, một thiên tài mắc chứng tự kỷ, khi cô bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một luật sư tân binh và phải đối mặt với sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc, cũng như trong cuộc sống cá nhân của cô. Phải mất khá nhiều thời gian, sau khi cô thành công giải quyết hết vụ kiện này đến vụ kiện khác, các đồng nghiệp của cô mới bắt đầu chấp nhận cô và chấp nhận chứng tự kỷ của cô. Như vậy, bộ phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo góp phần làm sáng tỏ một vấn đề khá nan giải đang tồn tại trong xã hội Hàn Quốc: Người khuyết tật vẫn bị kỳ thị và họ cần được hỗ trợ nhiều hơn nữ.

Vài thông tin về người khuyết tật ở Hàn Quốc

Năm 2022, theo thống kê của cơ quan chức năng, Hàn Quốc có hơn 2,6 triệu người, tương đương với 5% dân số, là người khuyết tật. Theo các cuộc khảo sát, người khuyết tật Hàn Quốc vẫn bị phân biệt đối xử và đang phải đối mặt với những “rào cản” trong giao thông, trường học, nơi làm việc. Người khuyết tật cũng có nguy cơ rơi vào đói nghèo cao hơn do thiếu việc làm, cơ hội kiếm tiền và cơ sở vật chất nơi làm việc không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật trên thị trường lao động, song tỷ lệ việc làm của người khuyết tật chỉ ở mức 34,5% vào năm 2019, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ việc làm trung bình của Hàn Quốc là 60,9%. Cơ sở vật chất tại nơi làm việc dành cho người khuyết tật cũng có nơi chưa được thuận tiện, “chẳng hạn như đường dốc dành cho xe lăn, nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật”, tạo ra những “rào cản” đối với việc đảm bảo hoặc duy trì việc làm, vốn là chìa khóa của an ninh kinh tế, đối với đối tượng này.

Bên cạnh đó, người khuyết tật ở Hàn Quốc cũng bị hạn chế về cơ hội tiếp cận giáo dục. Mặc dù có hơn 98.000 học sinh khuyết tật đáp ứng các yêu cầu/đủ điều kiện tham gia lớp “giáo dục đặc biệt” vào năm 2021 nhưng chưa đến 28% số này được học tại các trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật hoặc các lớp “giáo dục đặc biệt” ở trường học bình thường. Ngoài ra, học sinh khuyết tật theo học trường học bình thường có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, làm tổn thương cả tinh thần và thể chất các em.

Mưu cầu tiến bộ cho người khuyết tật ở Hàn Quốc

Bộ phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo mô tả một môi trường làm việc tương đối dễ chấp nhận, không quá xa rời thực tế đối với người khuyết tật. Năm 2017, 80% người khuyết tật cho biết bị phân biệt đối xử nhưng vào năm 2021, con số này đã giảm xuống gần 66%. Công bằng mà nói, Hàn Quốc đã có cải thiện nhằm mang lại sự bình đẳng cho người khuyết tật. Chính phủ thông qua một số đạo luật hỗ trợ người khuyết tật, ví dụ, Đạo luật năm 2005 về Thúc đẩy sự thuận tiện đi lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong việc di chuyển quy định việc cung cấp chỗ ngồi cho người khuyết tật trên các phương tiện giao thông công cộng thông qua các thiết kế đặc biệt. Năm 2007, Hàn Quốc ra luật cấm phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Hàn Quốc cũng có các công ty luật lấy người khuyết tật làm trung tâm phục vụ, cho phép người khuyết tật đảm bảo quyền lợi của họ. Các công ty luật vì lợi ích công, chẳng hạn như Gonggam, tích cực tham gia và hỗ trợ cho việc vận động quyền của người khuyết tật. Hiệp hội Luật Người khuyết tật Hàn Quốc xuất bản Sổ tay Hướng dẫn về quyền của người khuyết tật cho luật sư và thẩm phán vào năm 2013. Tất cả động thái này giúp thúc đẩy việc thực hiện chính sách pháp luật, cũng như tăng cường công tác quản lý xã hội liên quan đến đối tượng người khuyết tật.

Trong phim, luật sư khuyết tật Woo Young Woo bằng năng lực tự thân để khiến những người xung quanh nhận ra sai lầm khi có sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Tương tự, việc tự vận động, tự nỗ lực của người khuyết tật đóng vai trò then chốt trong việc mang lại sự thay đổi trong nhận thức của xã hội và góp phần mở rộng quyền của người khuyết tật ở Hàn Quốc. Mặc dù vẫn còn thiếu sót nhưng Hàn Quốc đã ngày càng đạt được nhiều tiến bộ trong hỗ trợ người khuyết tật. Với các thể chế pháp luật, chủ trương chính sách được đẩy mạnh, người khuyết tật có thể tham gia đầy đủ hơn vào xã hội và vươn lên thoát nghèo.

Tùng Anh (Theo Koreabo)