Print

Bổ sung làm rõ các vướng mắc về thể chế trong phòng, chống dịch

Thứ Ba, 27 /09/2022 15:08

Sáng 27/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Cuộc họp trực tuyến với địa phương để lấy ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 (Nghị quyết 30).

Tại Cuộc họp, các ý kiến thống nhất, sau khi triển khai chính sách phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết 30, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế- xã hội. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, BCĐ Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân.

Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp cấp bách, tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4…

Các địa phương nhận định, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt thực hiện thành công chiến lược vắc-xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch tại những thời điểm quyết định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần đưa Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19, dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong tiền lệ.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, vô cùng phức tạp, rất khó lường, đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội, thậm chí là nền tảng chính trị của một số quốc gia. Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, thế giới có trên 620 triệu người mắc COVID-19, có 6,5 triệu người chết. Cả những quốc gia có hệ thống y tế hùng mạnh cũng “thất thủ”. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình thấp, nền y tế dù phát triển hơn so với các quốc gia cùng trình độ nhưng chưa thể bằng các quốc gia phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết. Trong quá trình chỉ đạo phòng, chống dịch, nhiều vấn đề phát sinh chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành…

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Y tế bổ sung, làm rõ hơn vướng mắc về thể chế cần tiếp tục được hoàn thiện, thẩm quyền, trách nhiệm ở cấp nào; quan điểm, hướng xử lý đối với việc mua sắm cao hơn so với nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh. Bộ Y tế tiếp thu và kiến nghị liên quan tới việc kéo dài thời gian gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc; tiếp tục thực hiện cơ chế thanh toán chi phí KCB cho người mắc Covid-19; đánh giá sâu hơn các chế độ, chính sách hỗ trợ người dân để bảo đảm ASXH.

Hồng Nguyễn