Print

Đe dọa tính mạng do biến chứng bệnh tự nhổ tóc

Thứ Tư, 28 /09/2022 16:42

Tại một Hội nghị khoa học về da liễu gần đây, ThS.BS.Nguyễn Thùy Ái Châu (BV Da Liễu TP.HCM) đã đề cập một ca lâm sàng liên quan đến bệnh lý lạ lùng: Bệnh nhân tự nhổ tóc của mình.

Đó là bệnh nhi nam mới 13 tuổi. Em được gia đình đưa đến BV Da Liễu TP.HCM khám vì ngứa da đầu, rụng tóc. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận tình trạng rụng tóc chỉ khu trú, không lan rộng, không sẹo... Ghi nhận bệnh sử cho thấy, trước đó 2 năm bệnh nhi này cũng mắc tình trạng tương tự.

Mở rộng tìm hiểu bệnh sử, mẹ của bệnh nhi còn cung cấp thêm thông tin quan trọng, rằng “thấy bé thường xuyên kéo tóc khi học bài hoặc trong lúc xem tivi”. Trước thông tin này, bệnh nhi một mực phủ nhận câu chuyện tự nhổ tóc của mình. Theo BS.Châu, đây là tình huống hay gặp tại các phòng khám da liễu và được gọi là “tật nhổ tóc”. Gọi là tật nhưng thật ra đây là một biểu hiện liên quan đến bệnh lý tâm thần. Dù vậy, không ít bệnh nhân liên quan từ chối được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bệnh nhi 13 tuổi cũng vậy. “Trong trường hợp bệnh nhân mắc tật tự nhổ tóc của mình từ chối điều trị với bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ da liễu có thể giúp bệnh nhân như thế nào?”- BS.Châu đặt vấn đề trong bài báo cáo của mình tại hội nghị khoa học.

Sau nhiều định nghĩa về tật nhổ tóc, theo BS.Châu, từ năm 2013, một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi là “hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể” và được xếp vào nhóm “rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn có liên quan”. Tật nhổ tóc được đặc trưng chủ yếu bởi hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể (giật tóc) để giảm căng thẳng (xả stress), hoặc thậm chí là để cảm thấy vui vẻ, hài lòng... Dữ liệu thống kê cho thấy, tật tự nhổ tóc có tỷ lệ mắc phải vào khoảng 1% đến 2%. Ở người lớn, nữ giới mắc tật này nhiều hơn nam giới với tỷ lệ áp đảo 9:1. Còn ở trẻ em, thường khởi phát từ 10 tuổi đến 13 tuổi, tỷ lệ mắc tật tự nhổ tóc của mình ngang nhau.

Theo chuyên gia, tật tự nhổ tóc thường chia làm hai kiểu chính: Kiểu tập trung (focused pulling) và kiểu tự động (automatic pulling). “Hai kiểu này có những đăc điểm khác nhau, dẫn đến tiên lượng điều trị cũng khác nhau”- chuyên gia phân tích.

Ở kiểu tập trung, bệnh nhân nhận biết được việc kéo tóc của họ, thường khởi phát vì cảm thấy căng thẳng, lo âu và việc nhổ giúp bệnh nhân cảm thấy giảm stress. Kiểu nhổ tóc này thay đổi theo trạng thái tâm lý, vì vậy có thể cải thiện khi lớn dần và đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị, đặc biệt là liệu pháp tâm lý. Còn ở kiểu tự động, bệnh nhân hoàn toàn không nhận thức được việc kéo tóc của mình, thường kéo tóc khi đang thực hiện các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, học bài... Kiểu nhổ tóc này không thay đổi theo trạng thái tâm lý nên thường kéo dài từ nhỏ đến lớn.

“Vì bệnh nhân hoàn hoàn không biết việc nhổ tóc của mình nên khi bị mất tóc, bệnh nhân thường đến khám bác sĩ da liễu đầu tiên để tìm kiếm các nguyên nhân khác. Phủ nhận việc tự nhổ tóc dẫn đến khó khăn cho việc chẩn đoán, do đó vai trò của bác sĩ da liễu rất lớn để nhận biết được bệnh nhân mắc tật nhổ tóc kiểu này”- BS.Châu phân tích thêm.

Chuyên gia cũng thông tin thêm, tới nay đã có những bằng chứng cho thấy bệnh sinh của của tật tự nhổ tóc liên quan đến yếu tố di truyền, yếu tố tâm lý-thần kinh: “Việc các bệnh nhân mắc tật tự nhổ tóc đáp ứng điều trị với các liệu pháp tâm lý, như liệu pháp nhận thức hành vi, cho thấy cơ chế về tâm lý-thần kinh đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh của tật tự nhổ tóc”.

Tật tự nhổ tóc không chỉ gây ảnh hưởng đến ngoại hình, tâm lý bệnh nhân, đôi khi có thể đe dọa tính mạng do biến chứng ăn tóc kéo (trichophagia). Tóc của bệnh nhân đóng chặt lại trong dà dày, có khi tóc đóng chặt từ dạ dày kéo dài đến ruột non hoặc ruột già (hội chứng Rapunzel). “Các tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn, như tắc nghẽn dạ dày, hoặc thủng... và có thể cần phẫu thuật loại bỏ. Vì vậy khi thực hành lâm sàng, bác sĩ da liễu phải luôn hỏi bệnh nhân làm gì với những sợi tóc bị nhổ để đánh giá nguy cơ biến chứng”- chuyên gia khuyến cáo.

Cũng theo BS.Châu, bác sĩ da liễu cần dựa vào lâm sàng để đưa ra chẩn đoán, có thể kết hợp da liễu và tâm thần. Về điều trị, với bệnh nhi cần dùng các liệu pháp tâm lý; với bệnh nhân trưởng thành cần kết hợp cả liệp pháp tâm lý lẫn nội khoa (thuốc uống, thuốc thoa...).

Thanh Giang