Print

Tìm giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Thứ Sáu, 30 /09/2022 08:31

Các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh tháo gỡ rào cản, hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng vì hiện cơ hội cho NKT vươn lên trong cộng đồng còn nhiều khoảng cách.

Bà Đinh Thị Thụy- Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, thời gian qua Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật cụ thể, thiết thực chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Nhận thức của NKT cũng nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập và đóng góp cho xã hội.

Chia sẻ tại Tọa đàm Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng, anh Nguyễn Hữu Hậu- chủ nhiệm Câu lạc bộ Khát vọng cuộc sống (Hải Phòng) chia sẻ, anh cũng như nhiều NKT khác gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Nếu như thanh niên nói chung đều gặp nhiều trở ngại trong quá trình khởi nghiệp thì những khó khăn đó đối với thanh niên khuyết tật còn nhân lên gấp bội. Vì vậy anh mong muốn có nhiều cơ chế hỗ trợ hơn để thanh niên khuyết tật có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, mở rộng mặt bằng và được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý.

Nộp 23 bộ hồ sơ nhưng đều bị từ chối với lý do NKT không thể đáp ứng được nhu cầu lao động, anh Trần Thành Trung, 31 tuổi, hiện là Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital kể về hành trình đi xin việc của mình. Sinh ra bị bại não bẩm sinh nhưng không đầu hàng số phận, Trung đã vượt lên nghịch cảnh để có được tấm bằng tốt nghiệp một trường cao đẳng loại khá. Dù hành trình xin việc gian nan, phải làm các công việc tự thân để mưu sinh như bán bảo hiểm, làm gia sư tiếng Anh, sửa máy tính… năm 2016, anh Trung về Hà Nội học tập, tiếp cận với nghề SEO Web rồi gắn bó và có được thành công như hôm nay. “Theo tôi, cần nâng cao nhận thức hơn nữa cho người khuyết tật trong tìm kiếm việc làm, tập trung giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng thị trường lao động, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu”- anh Trung nêu quan điểm.

Sinh ra bị khiếm khuyết đôi bàn tay trái, bằng nghị lực, sự quyết tâm, chị Phạm Thị Hồng Mai (Trường ĐH Hàng hải Việt Nam) đã nỗ lực sống và làm việc như những người bình thường khác. Trong cuộc sống ít người dành cho NKT niềm tin, chưa thực sự thấu hiểu và thường nhìn họ với ánh mắt thương cảm. Bản thân nhiều NKT còn thấy mặc cảm, tự ti và rất ít khi tham gia các hoạt động của xã hội, sống khép mình. Hòa nhập xã hội là quá trình mà những người trong nhóm xã hội yếu thế, những người đang “tách biệt” có thể sống, giao tiếp, sinh hoạt, học tập và làm việc hòa hợp với người bình thường mà không có bất kỳ khó khăn hay phân biệt đối xử nào. Với tư cách là người đang công tác Đoàn tại một trường Đại học, chị Mai mong muốn, để sinh viên khuyết tật hòa nhập cộng đồng thì sự giúp đỡ từ cộng đồng như việc dành nhiều học bổng khuyến học hay tạo điều kiện cho sinh viên khuyết tật ra trường có thể đi làm như những người bình thường khác mà không có sự kỳ thị về ngoại hình là vô cùng cần thiết.

Nguyệt Hà