Print

Sẽ giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT trong các loại hình doanh nghiệp

Thứ Sáu, 30 /09/2022 08:56

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp rà soát, xây dựng Báo cáo kết quả việc thực hiện Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022, đề xuất nội dung năm 2023.

Theo dự thảo kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì 6 hoạt động giám sát về: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của UBND các cấp; tiếp tục giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021- 2025); việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập; việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

Theo dự kiến, trong năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT trong các loại hình doanh nghiệp. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; giám sát việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia...

Về hoạt động phản biện xã hội, theo dự thảo kế hoạch năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phản biện xã hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần 2, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đồng thời, các tổ chức chính trị- xã hội cũng chủ trì và tham gia một số nội dung phản biện xã hội về các vấn đề đang được dư luận và nhân dân quan tâm.

Báo cáo rà soát việc thực hiện Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022 nêu rõ, đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì triển khai 5 nội dung giám sát về: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên (theo Quy định số 124); việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021- 2025); việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…

Tại buổi làm việc, ông Ngô Sách Thực- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu, việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội năm 2023 phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định của pháp luật, thống nhất trong toàn hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, các cơ quan, tổ chức chủ trì xây dựng dự thảo các văn bản được phản biện xã hội. Đồng thời, nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội cần tiếp tục được đổi mới theo hướng chủ động, kịp thời giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở, lựa chọn đối tượng. Nội dung giám sát, phản biện xã hội cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên của Đảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề khiến nhân dân bức xúc và dư luận xã hội quan tâm...

V.Thu