Print

Sốc nhiễm trùng vì xương cá

Thứ Sáu, 30 /09/2022 15:15

Ngày 30/9, BV Nhân dân Gia Định biết, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa vừa can thiệp kịp thời, cứu sống một bệnh nhân đối mặt nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng. Điều đáng nói là, tình trạng sốc nhiễm trùng đến từ xương cá.

Theo BS.Dương Phát Minh, khoa Ngoại Tiêu hóa, vào khoảng 6 giờ hôm 16/9 vừa qua, một bệnh nhân nam 61 tuổi với triệu chứng đau vùng mông bên trái, kèm theo đau nhiều vùng vùng bụng dưới rốn lệch trái, nên phải nhập viện cấp cứu.

Diễn biến sức khỏe của bệnh nhân này nhanh chóng chuyển nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt... Dựa trên kết quả khám bệnh và hình ảnh chụp CT-Scan , bác sĩ khám hậu môn lấy ra dị vật là xương cá dài khoảng 3cm trong lòng trực tràng. Đồng thời chuyển thẳng bệnh nhân vào phòng mổ cấp cứu. “Bệnh nhân bị xương cá đâm thủng trực tràng, tạo áp-xe cạnh bên trái trực tràng. Khoang bụng bệnh nhân có nhiều dịch đục, đồng thời khoang sau phúc mạc có nhiều mủ lan từ sau trực tràng đến gốc động mạch mạc treo tràng dưới”- BS.Minh mô tả ca phẫu thuật.

Với hệ lụy do mảnh xương cá để lại, ê kíp phẫu thuật phải xử lý qua 2 bước: Rửa bụng, xử lý ổ nhiễm trùng; sau đó di chuyển tư thế bệnh nhân để rạch tháo mủ ổ áp-xe ở cạnh bên trái hậu môn. “Bệnh nhân được đặt ống dẫn lưu bụng, dẫn lưu cạnh trực tràng và làm hậu môn nhân tạo. Sau mổ bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức ngoại để tiếp tục chăm sóc, điều trị”- BS.Minh thông tin thêm.

Do hậu quả của tình trạng sốc nhiễm trùng, các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức phải tích cực điều trị để ổn định sinh hiệu bệnh nhân. 10 ngày sau đó, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mới dần cải thiện và được chuyển đến khoa Ngoại Tiêu hóa. Sau khi sức khỏe ổn định, bệnh nhân sẽ được đóng hậu môn nhân tạo và xuất viện.

Theo chuyên gia, thủng ống tiêu hoá do xương cá, tăm xỉa răng... là một tai nạn thường gặp nhưng khó chẩn đoán vì các triệu chứng rất mơ hồ như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… Ngoài ra, người bệnh thường không nhớ, hoặc không biết rằng mình đã nuốt phải dị vật nên không có mốc thời gian cụ thể để tính khoảng thời gian diễn tiến bệnh.

“Dị vật có thể mắc kẹt tại bất kì vị trí nào và gây những tổn thương khác nhau cho đường tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng khi ăn cá, lựa xương cẩn thận khi ăn, hạn chế sử dụng tăm xỉa răng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Nếu nghi ngờ, hay phát hiện bản thân nuốt dị vật thì lập tức gặp bác sĩ để thăm khám, nội soi lấy dị vật. Để lâu sẽ dẫn đến những diễn tiến nặng nề như viêm phúc mạc, áp-xe ổ bụng, nhiễm trùng…”- chuyên gia khuyến cáo.

Thanh Giang