Print

TP.HCM: Nâng chất Y tế học đường để quyết tâm đạt 100% HS tham gia BHYT

Thứ Tư, 26 /10/2022 09:24

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch Công tác y tế trường học năm học 2022- 2023, với quyết tâm phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT và nâng cao chất lượng Y tế học đường trong năm học mới.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, nhằm mục đích tăng cường công tác GD, bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh, học viên, sinh viên (gọi chung là HS) trong các cơ sở GD mầm non, GD phổ thông, GD thường xuyên, trung cấp, cao đẳng trực thuộc. Đồng thời, bảo đảm cho tất cả HS trên địa bàn Thành phố được phát triển, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần… góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, kiểm soát hạn chế các yếu tố nguy cơ phát sinh cũng như gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong năm học mới 2022- 2023.

Trên cơ sở này, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GD, cán bộ, GV, nhân viên, HS trong các trường học triển khai, thực hiện đúng theo kế hoạch công tác y tế trường học năm học 2022- 2023, với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa ứng phó với tá động tiêu cực của đại dịch Covid-19, và các dịch bệnh khác trong trường học, đặc biệt triển khai có hiệu quả chương trình sức học đường giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, 100% trường thành lập, kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe HS; Tổ an toàn Covid-19; kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe HSSV; đảm bảo điều kiện về phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cự sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu… trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất chính là phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HS tham gia BHYT cũng như 90% trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường nhiều cấp học có nhân viên y tế chuyên trách, có chuyên môn y tế.

Cũng theo Sở GD&ĐT TP.HCM, đối với Phòng y tế trường học, phải có phòng y tế riêng, đảm bảo diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho HS. Riêng với Phòng y tế của các trường tiểu học, THCS, THPT, trường PT nhiều cấp học, trường chuyên biệt… phải được trang bị tối thiểu 1 giường bệnh khám bệnh và lưu bệnh nhân cùng các thiết bị về y tế cần thiết theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với nhân viên y tế trường học, phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp y sĩ trở lên và thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do ngành y tế, ngành GD tổ chức. Bên cạnh đó, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về BHYT, Y tế học đường của nhà trường, thầy Võ Hữu Dưỡng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng (Q.7) cho biết, hiện nay theo chỉ đạo của ngành GD Thành phố, các trường phải kiện toàn về cơ sở vật chất của phòng y tế trường học cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn của nhân viên y tế, đặc biệt là phấn đấu đạt 100% tỷ lệ HS tham gia BHYT. Do đó, ngay từ đầu năm học mới 2022- 2023, nhà trường đã xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả; trong đó lồng ghép các giải pháp, cách làm sáng tạo về vận động, tuyên truyền các chính sách BHYT cho phụ huynh HS hiểu rõ ý nghĩa cũng như tính nhân văn khi tham gia BHYT cho con em mình. Từ đó tạo được sự hài hòa, ủng hộ cao từ phía phụ huynh, nên trong những năm gần đây trường đều đạt tỷ lệ HS tham gia BHYT gần như 100%.

Tương tự, thầy Ngô Hồng Phong- Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Dương (Nhà Bè) chia sẻ, mặc dù trong năm học 2020- 2021 bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng bằng các giải pháp hữu hiệu, linh hoạt trong công tác triển khai chính sách BHYT đến HS, nhà trường đã đạt tỷ lệ tuyệt đối HS tham gia BHYT. Đặc biệt, trong năm học mới 2022- 2023, tính đến thời điểm này, trường cũng đạt 100% HS tham gia BHYT.

“Để tiếp tục duy trì kết quả này cho những năm tiếp theo, ngoài việc vận động, tuyên truyền các chính sách BHYT hiệu quả, nhà trường còn chú trọng đến việc nâng chất y tế học đường, cùng với nâng cao chuyên môn của nhân viên y tế trong công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu tại trường. Tôi cho rằng, đây chính là giải pháp hiệu quả nhất để tạo niềm tin cho phụ huynh HS khi tham gia BHYT bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho con em mình”- thầy Phong chia sẻ thêm.

Trước đó, trong các buổi khảo sát về trường học sau đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, bà Trần Hải Yến- Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM cho rằng, nhân viên y tế trường học rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe HS, họ đảm nhiệm rất nhiều công việc như phòng chống các bệnh truyền nhiễm cấp tính; sơ cứu tai nạn thương tích; truyền thông GD; phòng, chống bạo lực học đường, dinh dưỡng hợp lý, bảo đảm vệ sinh ATTP…

Từ thực tế này, nên xem y tế trường học là một ngành nghề, người làm việc phải được đào tạo chuyên nghiệp, phải có vị trí chính thức và được hưởng đủ mọi quyền lợi, phụ cấp đặc thù của một nhân viên y tế, được hỗ trợ, nâng cao nghiệp vụ…Tuy nhiên, lực lượng này hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Công việc áp lực, trách nhiệm cao nhưng đãi ngộ lại chưa tương xứng nên ít người gắn bó lâu dài.

Đăng Khoa