Print

Cao điểm dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội

Chủ nhật, 13 /11/2022 21:21

Trong tuần qua, số ca mắc mới SXH ghi nhận trên địa bàn Hà Nội tăng hơn so với tuần trước đó. Dự báo, số ca mắc SXH có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ có nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến

Ngày 13/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội báo cáo, trong tuần (từ ngày 4 đến hết ngày 11/11), trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã TP.Hà Nội đều ghi nhận ca mắc SXH với 1.343 ca, tăng 2,3% so với tuần trước. Một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hoàng Mai.

Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc SXH (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong nào do SXH). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, đã có thêm 83 ổ dịch SXH mới tại 12 quận, huyện, trong đó nơi có nhiều ổ dịch nhất là các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Bắc Từ Liêm…; các huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Hoài Đức…; nâng tổng số ở dịch trên địa bàn thành phố lên 994 ổ dịch. Số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc SXH tăng đột biến, nên nhiều BV ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Đơn cử, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Nhi Trung ương) đang có từ 40-50 trẻ mắc SXH điều trị nội trú (tăng gấp 2 lần so với tuần trước), trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Còn tại BV Thanh Nhàn, số ca mắc SXH chiếm khoảng 60% số bệnh nhân đến khám mỗi ngày khiến tất cả khoa điều trị, giường bệnh luôn kín chỗ. Từ đầu năm đến nay, BV Thanh Nhàn đã tiếp nhận gần 1.500 bệnh nhân SXH, trong đó khoảng 30-40% trường hợp nặng như: Suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao.

Tương tự, tại BVĐK Đức Giang, do số lượng bệnh nhân đông, nên ngoài Khoa Truyền nhiễm, BV đã bố trí thêm giường bệnh ở các khoa khác như: Khoa Nhi, Khoa Nội tổng hợp… để tiếp nhận điều trị kịp thời bệnh nhân mắc SXH. Nhân viên y tế của BV cũng phải làm thông ca với tinh thần rất khẩn trương, phục vụ người bệnh.

Theo bác sĩ Phạm Thị Thảo- Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (BVĐK Đức Giang) cho biết: Các bác sĩ tăng cường khám bệnh, sàng lọc, những bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo sẽ cho nhập viện điều trị nội trú, còn những trường hợp nhẹ hơn được hướng dẫn điều trị tại nhà và hẹn tái khám để giảm áp lực quá tải.

Còn tại BV nhiệt đới Trung ương - tuyến đầu về điều trị truyền nhiễm, hiện có khoảng 90-100 ca mắc SXH điều trị nội trú, trong đó có từ 10-20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Thậm chí, có ngày, hơn một nửa bệnh nhân điều trị ở Khoa Cấp cứu là ca mắc SXH.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc- Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh nhiệt đới trung ương) đưa ra khuyến cáo từ thực tiễn: “Số lượng bệnh nhân SXH nặng đang tăng nhanh. Với những bệnh nhân được đưa đến viện sớm thì tiến triển ổn, bình phục nhanh. Còn những bệnh nhân đến viện muộn thì việc điều trị rất khó khăn, lâu dài, tốn kém”-.

Những dấu hiệu cần nhập viện

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh- Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (BV Trung ương Quân đội 108): Thời gian gần đây, Viện tiếp nhận nhiều trường hợp trên địa bàn Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt, xét nghiệm dương tính với SXH. Đơn cử, một nam bệnh nhân V.T.P (17 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện với các biểu hiện sốt cao ngày thứ 4 không giảm, tức ngực, khó thở. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị SXH giảm tiểu cầu, tràn dịch màng phổi, màng bụng.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga- Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Nhi trung ương) cho biết: SXH thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24- 48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

Chú ý, từ ngày thứ 4 trở ra, bệnh nhân thường hết sốt, nên dễ chủ quan tưởng mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện: Đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).

Các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh cần đến ngay BV hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.

Để phòng bệnh SXH, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/loăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng...

Châu Anh