Print

Quý II/2023 sẽ công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022

Thứ Hai, 14 /11/2022 08:53

Bộ Nội vụ vừa ban hành Quyết định số 878/QĐ-BNV ban hành kế hoạch triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo kế hoạch, mục đích là xác định được Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là các Bộ) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các tỉnh). Đầu quý II/2023 sẽ công bố Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ và các tỉnh.

Yêu cầu của kế hoạch là các nhiệm vụ, tiến độ thời gian, trách nhiệm trong triển khai kế hoạch được xác định rõ ràng, phù hợp với điều kiện cụ thể. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, các tỉnh trong triển khai thực hiện kế hoạch. Tổ chức công tác tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh bảo đảm trung thực, khách quan, đúng quy định.

Tổ chức điều tra xã hội học theo bộ câu hỏi điều tra xã hội học đối với từng nhóm đối tượng điều tra, khảo sát quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm khách quan, phù hợp với Đề án xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 979/QĐ-BNV ngày 18/11/2020 phê duyệt Đề án “Hệ thống ứng dụng CNTT đánh giá CCHC và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030”.

Bên cạnh đó, cần xác định, Chỉ số CCHC phản ánh thực chất, khách quan kết quả CCHC của các bộ, các tỉnh năm 2022. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với CCHC nói chung và đánh giá kết quả CCHC hàng năm của các bộ, các tỉnh nói riêng.

Thời gian qua, công tác CCHC đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách TTHC; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, đổi mới và có nhiều chuyển biến. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu (Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố) trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tăng cường nguồn lực con người, tháo gỡ các vướng mắc về tài chính cho công tác này.

Từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 183 quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Cập nhật gần 17.800 quy định hiện hành trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực; ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. 

Đáng chú ý, 11.700 bộ phận "Một cửa" các cấp trên cả nước được thành lập (56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh); 53/63 địa phương hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin "Một cửa điện tử". Hơn 4.000 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trên 61%) và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục được hoàn thiện, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Các nền tảng, hệ thống thông tin hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, DN tiếp tục được vận hành, phát triển (hơn 15,2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên Trục liên thông văn bản quốc gia; 1.350 phiếu điện tử lấy ý kiến thành viên Chính phủ thực hiện trên Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ).

Hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được xây dựng, đưa vào vận hành. Các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư; đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân; cấp hơn 73 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip cho công dân...

T.Hà