Print

Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn?

Thứ Hai, 14 /11/2022 18:12

Chiều 14/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”.

Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện (BV) tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức và BV K- với thời gian thực hiện thí điểm 2 năm. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 BV thực hiện Nghị quyết nhưng lại đề xuất xin dừng thí điểm do gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý…

Nguyên nhân xin dừng thí điểm được các BV chỉ rõ, đó là trong quá trình triển khai thí điểm do cơ chế thực hiện tự chủ BV chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng, tính đủ; vấn đề liên doanh, liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân… Điều đáng suy nghĩ nữa chính là ranh giới giữa đúng và sai trong thực hiện tự chủ BV trên thực tế còn nhiều chỗ mong manh, tiềm ẩn rủi ro, nhất là đối với những người triển khai thực hiện.

Ông Đào Xuân Cơ- Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong những yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, BV bị phong tỏa, các hoạt động bị đóng băng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đáng chú ý do chủ yếu tập trung chống dịch nên nguồn thu của BV sụt giảm 50%.

Bên cạnh đó, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính theo các tỷ lệ cố định như quy định trong các văn bản hiện hành đã ảnh hưởng đến tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… Thêm vào đó, BV đang thu giá KCB BHYT theo quy định của Bộ Y tế nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, dẫn đến thu không đủ bù chi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là không còn nguồn thu từ trang thiết bị, máy y tế xã hội hóa…

Còn theo TS.Nguyễn Huy Quang- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), BV K và BV Bạch Mại đều là BV hạng đặc biệt, tuyến cuối có thương hiệu và số lượng bệnh nhân đông, vì vậy khó đánh giá được thành quả của tự chủ toàn diện… Tuy nhiên, phải khẳng định, thực hiện tự chủ BV là một quyết sách lớn của Nhà nước và là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ BV thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ BV ngày càng được rõ hơn.

Tại buổi tọa đàm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, chủ trương tự chủ là cần thiết, quan trọng, nhưng chỉ nên tự chủ ở mức 2 và 3 (chi thường xuyên, chi một phần), không nên ở mức 1 (tự chủ toàn diện), vì hiện chưa có văn bản, quy chế để thực hiện. Bởi, nếu tự chủ quá mức, cao nhất thì sẽ dẫn đến tư nhân hóa BV công, sai định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phân tích nguyên nhân tự chủ toàn thất bại, TS.Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đặt vấn đề: “Tại sao chưa thể tự chủ hoàn toàn? Nếu chúng ta giao cho cơ sở tự chủ toàn diện mà họ chưa đủ điều kiện thì lợi bất cập hại”. Ông Lợi đưa ra 3 vấn đề “chưa thể toàn diện BV” gồm: Thể chế chưa đáp ứng được nhu cầu để tự chủ toàn diện; tổ chức thực hiện có vấn đề; cơ chế giá. “Qua kinh nghiệm giám sát về y tế, tôi khẳng định chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên và dưới, đủ điều kiện để tự chủ toàn diện”- ông Lợi nói.

Hồng Nguyễn